Ngày 9/4, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Phạm Thị Thúy tại xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu đã phát hiện một số lượng lớn TPCN không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành khám xe ô tô BKS 29C-447.75 đã phát hiện 299.900 đơn vị là các mặt hàng do nước ngoài sản xuất gồm TPCN giảm cân, thuốc trị ho, chữa đau đầu… Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Hiện, TPCN không chỉ có mặt tại các
cửa hàng kinh doanh tân dược mà còn được chào bán tràn lan trên mạng xã hội như Zalo, Facebook.. với những lời quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm. Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, thị trường TPCN tại Việt Nam có hơn 20.000 loại sản phẩm phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh xương khớp, dạ dày, gan, mật, ung thư, làm đẹp... trong đó 60% là sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh. Trong đó các loại TPCN có nguồn gốc dược liệu, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc. “Thực tế kiểm tra mặt hàng này cho thấy, có sản phẩm không có hoạt chất chính hoặc sử dụng hoạt chất không được phép sử dụng sản xuất TPCN” - ông Phong thông tin.
Quản lý không dễ dàng
Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả lập DN có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công bán thành phẩm, không tem, nhãn. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ về loại sản phẩm mang
thương hiệu nào thì lập tức cho dán nhãn mác giả thương hiệu đó. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất TPCN giả nhãn mác là hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được “phù phép” thành sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, Australia... Đồng thời, việc mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đã trở thành mảnh đất cho đối tượng buôn bán TPCN kém chất lượng kinh doanh.
“Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật
ATTP, trong đó có đề cập đến quản lý TPCN nhưng việc kiểm tra, xử lý không hề dễ dàng, bởi chưa có Nghị định về quản lý TPCN. Hiện mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, điều này đã gây khó cho lực lượng QLTT trong việc giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán mặt hàng này ” - ông Trịnh Quang Đức nêu rõ. Đồng tình với ý kiến này, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, không chỉ công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn mà thậm chí cơ quan quản lý là Bộ Y tế thả nổi việc quản lý những mặt hàng này. Với các sản phẩm đơn thuần, DN
công bố chất lượng 100% nhưng khi giám định
chất lượng sản phẩm chỉ đạt 30 - 40% thì được nhận định là hàng giả. Nhưng việc chứng minh chủ thể làm giả sản phẩm TPCN hoặc kém chất lượng lại không hề dễ dàng, bởi phải có kết quả giám định và phải có kinh phí thực hiện. “Để quản lý tốt hơn thị trường TPCN, trước mắt, cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, công khai việc thực thi, kiên quyết thu hồi và dừng cấp phép có thời hạn DN sản xuất TPCN giả nhãn mác hoặc sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố” - ông Đàm Thanh Thế kiến nghị.
Để khắc phục bất cập này, Hiệp hội TPCN Việt Nam và lực lượng chức năng kiến nghị cơ quan quản lý ban hành nghị định quản lý TPCN, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chế tài xử phạt nặng các hành vi sản xuất TPCN kém chất lượng, giả mạo mẫu mã.