Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, nghi ngộ độc tập thể, mới đây nhất ngày 30/5, 30 công nhân Công ty LC ở quận An Dương (Hải Phòng).
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, nghi ngộ độc tập thể, mới đây nhất ngày 30/5, 30 công nhân Công ty LC ở quận An Dương (Hải Phòng) phải nhập viện sau khi ăn bữa cơm trưa. Trước đó, ngày 27/5, 42 công nhân Công ty JY Vina Co (Hàn Quốc) ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) phải nhập viện cấp cứu do nghi độc thức ăn và còn nhiều vụ lẻ tẻ khác ở các địa phương. Vấn đề ATTP chưa bao giờ hạ nhiệt. Theo đó, để đảm bảo ATTP trong mùa hè nắng nóng đòi hỏi các cấp chính quyền cần phải vào cuôc quyết liệt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vấn đề quản lý ATTP vẫn còn nhiều bất cập...
Kiểm tra là phát hiện vi phạm
Thực hiện Tháng cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), từ ngày 16/5 - 25/5, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Tĩnh phối hợp với công an các phường đã kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm về ATVSTP... Rà soát các kho đông lạnh tại chợ TP. Hà Tĩnh, lực lượng chức năng phát hiện quầy số 163 của chị Phan Thị Hương (SN 1982, trú tại phường Bắc Hà) bày bán 53kg thịt, xương lợn; quầy bà Trần Thị Toàn (SN 1965, ở phường Thạch Quý) có 12kg thịt bò đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối.
Kiểm tra Cửa hàng thực phẩm Bình Minh (số 122 đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh), lực lượng chức năng phát hiện cơ sở bày bán 15kg hàu sữa, cá thu và cá nục đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có ngày sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm. Đáng nói hơn, từ ngày 22 - 25/5/2017, đoàn kiểm tra một số nhà hàng có quy mô lớn trên địa bàn thành phố như: Nhà hàng Hương Thủy (số 64, đường Hàm Nghi), Nhà hàng Hiệp Ông (số 357, đường Trần Phú), Nhà hàng Vinh Hạnh (số 37, đường Hàm Nghi) thì phát hiện tại khu vực chứa đồ đông lạnh đều có trữ đông một số loại thực phẩm quá thời hạn, bị biến đổi màu sắc (95kg thực phẩm đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối), vi phạm quy định về ATVSTP.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại Khánh Hoà.
Bất cập trong công các quản lý
ATTP luôn là vấn đề nóng hổi được dư luận xã hội quan tâm. Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm. Tuy nhiên, trong công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập như: việc phân cấp tại cấp huyện và cấp xã trong quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống còn chậm, chưa đồng bộ; hoạt động của Ban chỉ đạo ở nhiều tuyến còn yếu, sự phối hợp quản lý về ATTP thiếu chặt chẽ và còn buông lỏng; công tác tuyên truyền chưa duy trì thường xuyên, chủ yếu thực hiện trong các đợt cao điểm; công tác quản lý ATTP ở các chợ, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ chưa tốt.
Ông Trần Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang (Khánh Hòa) - thành phố thu hút nhiều khách du lịch cho biết, khó khăn trong công tác quản lý về ATTP ở cấp huyện là đội ngũ cán bộ quản lý về ATTP còn thiếu; ở tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên môn. Hiện nay, TP. Nha Trang nói riêng và cả tỉnh nói chung chưa xây dựng được khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, do đó việc kiểm soát chất lượng ATTP còn khó khăn. Kinh phí đầu tư cho hoạt động quản lý ATTP còn hạn chế, đặc biệt là kinh phí xét nghiệm mẫu thực phẩm nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
ThS. Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, khó khăn của Hà Nội - thành phố lớn nhất nước đó là hiện nay trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu thủ công còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc kiểm soát thực phẩm tươi sống, rượu pha chế từ các tỉnh khác chuyển về Hà Nội còn nhiều bất cập.
Kiểm tra nhưng không được làm khó người dân và doanh nghiệp
Công tác thanh, kiểm tra ATTP nếu chỉ lơi là sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Vì vậy, không chỉ trong đợt Tháng hành động mà công tác thanh tra liên tục, thường xuyên có trọng điểm. Tập trung kiểm soát ngăn chặn hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo kế hoạch và đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho các doanh nghiệp; tập trung vào các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm tươi sống, thức ăn ngay, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai.
Triển khai các chuyên đề trọng tâm, mô hình điểm của ngành liên quan như: chuyên đề trọng tâm của ngành y tế là tăng cường quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; chuyên đề trọng tâm của ngành nông nghiệp là phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn có kiểm soát; chuyên đề trọng tâm của ngành công thương là quản lý sản xuất rượu thủ công, rượu pha chế...