Nước uống đóng chai, đóng bình đã trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Thế nhưng, với người tiêu dùng, chất lượng nước đóng chai, đóng bình vẫn luôn là nỗi lo thường trực. Vậy làm thế nào để lựa chọn sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình an toàn?
Hệ thống xử lý rẻ tiền khó bảo đảm chất lượng nước
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền. Quy trình để sản xuất nước đóng bình bảo đảm chất lượng bắt buộc phải trải qua các bước cụ thể như: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, tạp chất và vi sinh... Khi qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Một sản phẩm nước đóng chai muốn được chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phải được kiểm định 14 tiêu chí về lý, hóa, vi sinh. Ngoài ra, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc, thì phải bảo đảm 28 tiêu chí trước khi chiết vào bình.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, những hệ thống xử lý nước rẻ tiền sẽ khó đạt được những tiêu chuẩn trên. Chẳng hạn, cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím, nhưng nếu là thiết bị không bảo đảm thì chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là E.Coli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, nếu không được khử triệt để sẽ tồn tại trong nước đóng bình rồi vào cơ thể người gây bệnh. Chưa kể đến hàm lượng các kim loại nặng có trong nước giếng khoan, nếu không xử lý triệt để cũng là nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.
Kịp thời chấn chỉnh những tồn tại
Hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã đều tiến hành thanh tra, kiểm tra 100% cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, công tác kiểm tra tập trung vào điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực tham gia quá trình sản xuất, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định. Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất, đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu nước tại nơi sản xuất và mẫu nước lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, thị trường nước uống đóng chai vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tình trạng sản xuất nước uống đóng chai giả, nhái nhãn mác vẫn diễn ra; cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý; có những cơ sở kiểm tra nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng do vệ sinh bình, chai đóng nước không sạch dễ dẫn đến sản phẩm không bảo đảm chất lượng...
Song song với việc kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã đưa ra những lưu ý, hướng dẫn cho cơ sở sản xuất để kịp thời chấn chỉnh ngay các tồn tại. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và cho những công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất.
Tất cả điều kiện bảo đảm an toàn cho một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình hay đá viên là cơ sở vật chất phải tuân thủ theo quy trình khép kín, một chiều, hệ thống lọc phải bảo đảm công năng loại bỏ được toàn bộ vi khuẩn và kim loại nặng không cần thiết trong nước. Công nhân tham gia vào quy trình sản xuất phải bảo đảm sức khỏe, kiến thức và tuân thủ các điều kiện, quy định về an toàn thực phẩm. Cơ sở phải luôn vận hành quy trình nguồn nước, quy trình hệ thống lọc tuân thủ dung lượng nhất định theo quy định của nhà sản xuất của thiết bị đó. Sau mỗi lần kết thúc quá trình đóng chai cần vệ sinh khử khuẩn để bảo đảm an toàn.
Cách chọn nước đóng chai an toàn
Để phân biệt được đâu là nước đóng chai sạch, an toàn, ông Trần Ngọc Tụ lưu ý, trước hết người dân cần dựa vào nhãn mác trên mỗi sản phẩm. Thông thường, nếu là nước đóng bình của các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường thường không có chất dính ở nhãn mác. Để gắn nhãn mác lên chai, bình nhựa, người ta sử dụng công nghệ dán bằng nhiệt nên rất dễ bóc. Ngược lại, với những sản phẩm làm giả thì thường dùng keo dán nên rất chắc chắn, khó bóc. Nếu bóc ra, người tiêu dùng có thể nhìn thấy chất dính bằng mắt thường. Ngoài ra, nhãn hiệu đúng theo quy định phải ghi đầy đủ tên nguồn, khu vực nguồn nước khoáng... Do đó, nếu thấy thông tin trên sản phẩm nhập nhèm, không đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ thì người tiêu dùng nên cẩn thận.
Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, để phân biệt nước đóng chai an toàn còn có thể dựa vào mùi vị. Nếu là nước khoáng thật sự thường có vị hơi nhạt. Đó là do những chất trong nước đa phần đều đã mất hết vì phải trải qua quy trình nghiêm ngặt và chỉ để lại khoáng chất như canxi, magie, kali... Trong khi đó, nước giả thường có vị hơi ngọt hoặc có vị tanh nồng của tự nhiên vì chất sắt trong đó chưa được xử lý, đó có thể là loại nước máy vẫn được dùng trong cuộc sống hằng ngày, được cho vào bình thành nước uống đóng bình.
Ngày nay, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, nhưng nếu là nước của cơ sở sản xuất thật thì nhãn hiệu sẽ có độ đậm của mực in vừa phải. Do vậy, nếu quan sát kỹ, nhãn hiệu trên những bình hoặc chai nước giả thường kém sắc nét hơn, hoặc chữ bị phai màu không rõ ràng, vỏ cũng mỏng hơn.
Ông Trần Văn Chung cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng cần kiểm tra về hình dạng bên ngoài: Vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng... Không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc nước có dấu hiệu bất thường như vẩn đục, có màu sắc khác lạ. Mặt khác, để biết được sản phẩm có an toàn không thì cần dựa vào giá cả. Nếu là nước sạch, do phải có cả quy trình sản xuất kỹ càng thì giá không thể nào rẻ như những loại nước máy đóng chai, được thực hiện thủ công... Cuối cùng, người tiêu dùng cần tỏ thái độ kiên quyết, không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm để phòng tránh ngộ độc thực phẩm