Nỗi lo mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú cho học sinh ở trường học chưa khi nào “hạ nhiệt”. Nhất là trong bối cảnh chất lượng thực phẩm trên thị trường đang tồn tại không ít vấn đề, thì mục tiêu, nhiệm vụ tạo lập các bữa ăn ngon, bảo đảm an toàn cho trẻ càng nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các bậc phụ huynh học sinh
Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh ăn bán trú tại trường rất lớn (năm học 2019-2020, mỗi ngày toàn thành phố có hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú). Nhận thức rõ tầm quan trọng về một bữa ăn an toàn, chất lượng với mỗi học sinh, thành phố đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực ngay từ đầu mỗi năm học. Cụ thể, hầu hết các nhà trường có tổ chức bữa ăn học đường đã từng bước được đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm sạch sẽ, hiện đại, thuận tiện; quy trình tổ chức bữa ăn thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định hiện hành…
Đặc biệt, quá trình này luôn được ngành chức năng của thành phố (Giáo dục và Đào tạo, Y tế…), các nhà trường cùng ban đại diện phụ huynh học sinh tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhờ vậy, bữa ăn của học sinh cơ bản bảo đảm dinh dưỡng,
an toàn thực phẩm; những vi phạm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Năm học mới này, mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng phải quyết tâm thực hiện bằng được, bởi nếu để xảy ra chỉ một bữa ăn thiếu an toàn cho học sinh, thì hệ quả để lại sẽ rất lớn. Và thực tế, thời gian qua cũng đã có những bài học về việc này.
Do vậy, vai trò, trách nhiệm trước tiên, trung tâm vẫn là các nhà trường. Bởi, nhà trường là nơi học sinh ăn bán trú, là đơn vị ký kết hợp đồng nhận cung cấp thực phẩm, nên biết rất rõ những gì cần làm để có bữa ăn tốt nhất cho học sinh. Theo đó, những phần việc cụ thể, hằng ngày mà lâu nay vẫn có trường học lơ là, chủ quan trong
chế biến bữa ăn như để lẫn thực phẩm sống - chín,
dụng cụ ăn uống vệ sinh chưa sạch sẽ, nhân viên nấu ăn không sử dụng đồ bảo hộ, việc lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định… cần được khắc phục ngay (nếu còn tồn tại); đồng thời hằng ngày duy trì nghiêm ngặt các bước trong quy trình vận hành
bếp ăn. Ngoài ra, định kỳ, các nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho những nhân viên làm nhiệm vụ ở bếp ăn bán trú.
Các nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ban đại diện phụ huynh học sinh tổ chức kiểm tra, giám sát đầy đủ quy trình tổ chức bữa ăn bán trú. Trong đó, vấn đề cần đặc biệt chú trọng là truy tận gốc nguồn thực phẩm cung cấp cho trường học.
Với trách nhiệm là cha mẹ, bên cạnh việc nhắc nhở con em mình vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn uống, cần chủ động tham gia, yêu cầu tham gia giám sát quy trình tổ chức bữa ăn, qua đó kịp thời phát hiện những điểm nghi ngờ, còn tồn tại để góp ý với nhà trường khắc phục.
Về phía các cấp, ngành chức năng, cần tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra để sớm ngăn chặn, chấn chỉnh những điểm còn thiếu sót, tồn tại. Đồng thời xử lý nghiêm khắc và công khai danh tính đơn vị sai phạm trong quá trình cung cấp thực phẩm, tổ chức bữa ăn học đường.
Đối với các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn bán trú, cùng với trách nhiệm của mình thì phải luôn đề cao đạo đức kinh doanh, vì sức khỏe của trẻ nhỏ để tổ chức dịch vụ uy tín và tốt nhất.
Thực hiện tốt trách nhiệm, đạo đức kinh doanh chính là vì tương lai, vì sự an toàn và niềm vui mỗi ngày đến trường của con em mình