0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiểm soát chặt việc sử dụng phụ gia thực phẩm

05/10/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiểm soát chặt việc sử dụng phụ gia thực phẩm
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là các phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép sẽ gây những hậu quả lớn đối với sức khỏe. Để kiểm soát chặt việc sử dụng phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 16-10-2019 (thay thế Thông tư 27/2012/TT-BYT ban hành từ năm 2012).

Hiểm họa từ phụ gia trôi nổi

Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình bảo quản hoặc dùng trong chế biến thức ăn để món ăn ngon miệng, hấp dẫn hơn. Hiện có đến hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất. Trong đó có một số nhóm chính được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm, như: Nhóm chất phụ gia bảo quản thực phẩm có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn; nhóm phụ gia phẩm màu tạo nên cảm quan hấp dẫn cho thực phẩm và nhóm phụ gia tạo vị cho thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (vào lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu. Nếu sử dụng các phụ gia này đúng loại, đúng liều lượng sẽ có rất nhiều tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng. Mặt khác, phụ gia cũng giúp giữ được chất lượng của thực phẩm cho tới khi sử dụng, tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường. Trái lại, nếu sử dụng các phụ gia này không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe.

 PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng bày tỏ lo ngại khi trên thị trường vẫn đang tồn tại nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được người tiêu dùng sử dụng. Trong khi đó, việc sử dụng các chất phụ gia không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng, ngoài việc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng sẽ gây nên ra ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính. “Hiện chúng ta chưa kiểm soát được hàm lượng cũng như chất lượng các loại hóa chất này. Vì lợi nhuận, người sản xuất, kinh doanh vẫn "vô tư" dùng các hóa chất trong công nghiệp làm các chất phụ gia thực phẩm. Đây chính nguyên nhân gây nên các bệnh nguy hiểm cho con người”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Dẫn chứng về những ảnh hưởng của phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép đối với sức khỏe con người, theo bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, Bộ Y tế đã cấm sử dụng hàn the làm chất phụ gia trong thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, nhiều người vẫn sử dụng nhằm làm chậm lại quá trình phân hủy thực phẩm khiến thịt, cá giữ được vẻ tươi lâu hơn và làm cho thực phẩm, như: Bún, bánh phở, bánh cuốn, bánh đa, giò, chả và nhiều thức ăn khác trở nên giòn, dai. Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính (nôn ói, đau bụng, tiêu chảy...) và nhiễm độc mạn tính. Nhiễm độc hàn the mạn tính sẽ tác hại lên hệ thần kinh, làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, gây bệnh thận, làm rối loạn kinh nguyệt, khiến rụng tóc và đáng sợ nhất là gây ung thư. Còn với đường hóa học trôi nổi, ở một số nghiên cứu cũng cho thấy, nó gây hội chứng down (chậm phát triển trí tuệ) ở trẻ em, ảnh hưởng trên bà mẹ mang thai...

Xử phạt nghiêm vi phạm

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, qua giám sát các vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm hơn 33%, nguyên nhân do độc tố 25,2%, hóa chất 10,4% và 31% không rõ nguyên nhân. Đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép đang trở thành một vấn đề không nhỏ đặt ra trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, trong Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, tại Thông tư 24, Bộ Y tế cũng quy định chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản. Mặt khác, việc này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người… Các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan, trong đó tăng nặng mức xử phạt nhằm tạo sự răn đe.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm chế biến sẵn an toàn khi có màu sắc tự nhiên, trên bao bì có nhãn hiệu ghi xuất xứ rõ ràng hoặc ghi rõ thành phần các chất phụ gia (hay phẩm màu) được phép sử dụng. Người tiêu dùng nên cẩn trọng với các loại thức ăn đường phố, đồ ăn vặt có màu sặc sỡ, lòe loẹt. Trong nấu ăn chỉ nên tạo vị ngọt cho món ăn bằng chất đạm thật sự có trong thực phẩm tự nhiên, như: Thịt, cá, rau củ, hải sản… Nếu cần tạo màu cho thực phẩm, nên chọn màu tự nhiên từ lá dứa, lá cẩm, quả gấc, cà phê…, hoặc phẩm màu thực phẩm. Tuyệt đối, không sử dụng hàn the, đường hóa học để chế biến thức ăn.

XUÂN LỘC