0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền và thực phẩm an toàn

30/09/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền và thực phẩm an toàn
Qua 7 năm triển khai Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, đã có hơn 2.280 hợp đồng được ký kết.

Đồng thời, Tp. Hồ Chí Minh đã kết nối cung cầu hàng hóa với 45 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là thông tin được công bố tại Hội thảo “Tiềm năng kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, thực phẩm an toàn tại hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch” do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, chiều ngày 26/9.

*Lan tỏa nguồn lực đầu tư 

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp phân phối thành phố đã đầu tư 17 trung tâm thương mại, 297 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, một số đơn vị bán lẻ thành phố đầu tư mạnh như Saigon Co.op mở 74 siêu thị, Big C (26 siêu thị), LOTTE Mart (9 siêu thị)…

Các đơn vị sản xuất địa phương kết nối với nhà bán lẻ hiện đại tại TP.HCM. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Cùng với đó, doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh như Vinamilk, NutiFood, Vissan, Cầu Tre, Vĩnh Tiến, Minh Tiến… đã không ngừng tích cực phát triển mạng lưới đại lý tại khắp tỉnh, thành trên cả nước. Còn doanh nghiệp sản xuất như San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… đã thiết lập mạng lưới phân phối và cung ứng cho thị trường phía Bắc.

Đến nay, doanh nghiệp Bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 81 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư 31.066 tỷ đồng; trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Thông qua liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, các tỉnh, thành đã hỗ trợ cho doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chủ động trong  tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả thị trường. Còn doanh nghiệp địa phương nắm bắt được cơ hội phát triển sản xuất, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng đối với đơn vị sản xuất, nên đặt ra yêu cầu kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hoá. Do đó, hoạt động kết nối cung cầu với thị trường Tp. Hồ Chí minh đã giúp tỉnh Bến Tre thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiềm năng và chinh phục người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư mang tính vùng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thông qua hoạt động kết nối cung – cầu giữa các tỉnh, thành, sở ngành tỉnh Long An đã tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất trên địa bàn cải thiện hoạt động, đáp ứng thị trường Tp. Hồ Chí Minh và trên cả nước. Riêng Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa của nhiều tỉnh, thành, mà còn là trung tâm giao thương thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm là một trong bốn ngành chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp lương thực, thực phẩm nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố, đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tp. Hồ Chí Minh vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là địa phương cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp địa phương. Chính vì vậy, kết nối doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là giải pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp gặp gỡ, giao thương, tăng cường hợp tác sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ hàng hóa.

*Khai thác thị trường tiềm năng

Vấn đề phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp gắn kết và hợp tác hiệu quả trong hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm… Chương tình hợp tác thương mại đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, phát huy thế mạnh trong sản xuất, mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương…

Khách tham quan dùng thử sản phẩm đặc sản địa phương. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Trong thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường phối hợp tổ chức chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Từ đó, doanh nghiệp địa phương từng bước xây dựng thương hiệu đối với mặt hàng nông sản, đặc sản vùng, miền.

Để xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa sản xuất trong nước nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, lần đầu tiên trong năm 2019, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan”; “Ngày hội hàng Việt tại Australia”.

Hai sự kiện này, sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, Sở sẽ là đầu mối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp từng bước xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Còn đối với thị trường nội địa, ngoài việc vận động tất cả hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối tham gia thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ kết nối sản phẩm đặc trưng vùng miền thâm nhập sâu rộng vào hệ thống nhà hàng, khách sạn nhằm quảng bá hàng Việt đến du khách quốc tế.

Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị này bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Haccp… của các tỉnh, thành, thiết lập các chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối đến người tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Tính đến nay, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh đã cấp Quyết định công nhận cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 150 cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng; 76 đơn vị kinh doanh mua sắm. Ông Nguyễn Hoàng Anh Phi, đại diện khách sạn Thiên Hồng cho hay, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề quan trọng hàng đầu của đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Vì vậy, hầu như đơn vị nào cũng mong muốn kết nối với đa dạng nhà cung ứng để triển khai thực đơn phong phú phục vụ khách hàng. Đồng thời, ẩm thực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng uy tín, thương hiệu nhà hàng, khách sạn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, kết nối cung – cầu là giải pháp không thể thiếu đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, có lĩnh vực du lịch. Tp. Hồ Chí Minh có lượng du khách lưu trú rất lớn, nên nhu cầu nguồn cung sản phẩm an toàn thực phẩm, đặc sản vùng miền khá cao, nhưng cũng yêu cầu đảm bảo không chỉ về chất lượng mà cả số lượng.

Trước thực tế này, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú vừa là thị trường tiềm năng của các địa phương, vừa là đơn vị có thể quảng bá, tiếp thị hàng Việt đến người tiêu dùng toàn cầu.

Qua quá trình thực hiện quản lý vận hành nhà hàng, khách sạn, các đơn vị đều có xây dựng quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm nội bộ. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tham gia chuỗi kết nối cung – cầu để tăng cường năng lực thâm nhập vào thị trường này. Đặc biệt, các đơn vị phải phối hợp tháo gỡ rào cản kết nối giữa chuỗi nhà hàng, khách sạn với đơn vị sản xuất nhỏ và vừa, ưu tiên tạo đầu ra cho những nhà cung ứng đạt tiêu chuẩn./.

Mỹ Phương/TTXVN