Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” nhận được hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản thảo mới nhất của quy chế này vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Chủ sở hữu nhãn hiệu “Gạo Việt Nam”
Sáng 30/11, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức hội thảo góp ý vào dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”. Dự thảo gồm 7 chương, 23 điều, quy định điều kiện đăng ký nhãn hiệu, chất lượng gạo, thủ tục cấp chứng nhận, sử dụng và quản lý chứng nhận…
Theo dự thảo quy chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”. Gạo được đề cập trong quy chế là các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng của các giống lúa thuộc loài Oryza sativa L. Sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận có đặc tính phù hợp với các chỉ tiêu chất lượng trong các tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 11888:2017 gạo trắng, TCVN 11889:2017 gạo thơm trắng và TCVN 8369:2010 gạo nếp trắng.
Doanh nghiệp được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” phải là doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp tại Việt Nam, có hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; đồng thời phải đáp ứng nhiều điều kiện khác.
Một trong số đó là phải áp dụng VietGAP và GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác trong suốt quá trình sản xuất, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết. Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” có thời hạn 3 năm và được cấp lại nếu doanh nghiệp có yêu cầu.
Thời hạn quá ngắn
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đặt vấn đề: Dự thảo quy định chỉ những doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp tại Việt Nam, có hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa mới được xem xét cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”.
Tuy nhiên, xu hướng tới đây các ngành hàng sẽ chuyên môn hóa cao, thậm chí có tập đoàn, công ty chuyên về phân phối, vậy những doanh nghiệp này có được cấp giấy chứng nhận hay không?
Ông Ngô Đức Minh, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra rằng dự thảo chưa làm rõ nhiều vấn đề. Chẳng hạn, doanh nghiệp đã thực hiện quy trình, quy chuẩn chất lượng được quốc tế công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thì có bắt buộc phải đăng ký thương hiệu “Gạo Việt Nam” trước khi xuất khẩu không? Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa Phan Văn Hòa cho biết, vài năm gần đây, gạo màu được tiêu thụ rất tốt ở thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc dự thảo chỉ quy định cho gạo trắng là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, quy định một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận là phải áp dụng VietGAP và GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác trong suốt quá trình sản xuất sẽ hạn chế số lượng đối tượng được cấp giấy chứng nhận. Vì trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này quá ít. Ngoài ra, giấy chứng nhận có thời hạn 3 năm là quá ngắn, ít nhất phải 5 năm mới đủ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Về điều kiện môi trường, có ý kiến cho rằng dự thảo đã đưa ra áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tức là sản xuất theo chuỗi với nhiều khâu. Khâu chế biến, xay xát thì việc đánh giá tác động môi trường là đúng nhưng khâu liên kết các hộ dân sản xuất cánh đồng lớn có cần đánh giá tác động môi trường không? Mặt khác, đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của Chi cục Bảo vệ môi trường tại địa phương, không nên “ôm” vào khiến các quy định bị chồng chéo. Điều kiện về thuế cũng tương tự.
Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice” dự kiến sẽ được hoàn thành và công bố trong năm nay