Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, cùng các chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn các thủ tục đăng ký… nhiều tập thể sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đặc thù đã xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu tập thể (NHTT). Đối với các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống, tỉnh đầu tư kinh phí và hỗ trợ chuyên môn giúp địa phương xây dựng các mô hình tổ chức, quản lý và phát triển thương hiệu.
Đến nay, toàn tỉnh có 12 tài sản trí tuệ mang tên địa danh được bảo hộ thành công, gồm 11 NHTT và 1 chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Đó là các NHTT: Rượu cần Hòa Bình, Dệt thổ cẩm Mai Châu, Mía tím Hòa Bình, Hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, Nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, su su Tân Lạc, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, tôm sông Đà, cam Lạc Thủy và CDĐL Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong.
Theo đánh giá của Sở KH&CN, các cơ quan chuyên môn và người dân đã đầu tư khảo sát tiềm năng, thế mạnh những sản phẩm địa phương có giá trị, có thể coi là đặc sản để tập trung gây dựng thương hiệu. Bước đầu có kết quả nhất định, thể hiện ở việc một số sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ dưới tên địa danh, bảo hộ ở trong nước và cả quốc tế (CDĐL Cao Phong - đăng ký bảo hộ ở EU). ý thức về tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ dần được cải thiện. Bước đầu định hình việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững KT-XH, định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng. Đa số sản phẩm được bảo hộ khi đưa ra thị trường được quan tâm quảng bá, bước đầu xây dựng được thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đơn cử như cam Cao Phong, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL tháng 11/2014, sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu, giá trị cam quả tăng lên. Sản phẩm quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn khi được cấp bảo hộ NHTT tháng 12/2014, diện tích, năng suất cũng tăng lên. Sản phẩm được tiêu thụ tốt và có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch trong, ngoài tỉnh…
Mô hình quản lý NHTT ở tỉnh ta hiện nay thực hiện theo 3 phương thức chủ yếu: do Hội nông dân địa phương, Hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm, HTX trực tiếp sản xuất - kinh doanh sản phẩm quản lý. Qua khảo sát của Sở KH&CN, mô hình HTX trực tiếp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được đánh giá là mô hình quản lý hiệu quả hơn cả do gắn quyền lợi nhà sản xuất với trách nhiệm của chủ sở hữu. Nhà sản xuất là người chịu trách nhiệm đối với sản phẩm từ khi bắt đầu quy trình sản xuất đến tay người tiêu dùng nên cũng là người quản lý, phát triển tốt nhất thương hiệu. Các mô hình quản lý NHTT khác không đạt hiệu quả mong muốn do nhân sự quản lý không có kinh nghiệm. Các thành viên tổ chức tập thể không tự nguyện, đồng thuận trong quản lý, không sở hữu, không huy động được nguồn tài chính để duy trì hoạt động và quảng bá, in ấn, gắn tem nhãn… Do đó, việc quản lý, sử dụng các tài sản trí tuệ chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ ban đầu của cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương.
Mặc dù ở tỉnh ta đã có những NHTT, CDĐL của các sản phẩm địa phương được xác lập quyền nhưng các tổ chức quản lý cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp quản lý và phát triển tài sản trí tuệ có hiệu quả. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có trên 34 sản phẩm được các huyện, thành phố thống kê là đặc sản nhưng mới chỉ có 12 tài sản trí tuệ mang tên địa danh được bảo hộ thành công.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển tài sản trí tuệ mang tên địa danh, Sở KH&CN đề xuất một số giải pháp: Xác định tổ chức chủ thể đứng tên đăng ký và quản lý NHTT phù hợp. Xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý. Xây dựng hệ thống, phương tiện quảng bá và khai thác giá trị NHTT. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ. Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong hỗ trợ các tổ chức tập thể quản lý, phát triển NHTT. Hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ. Các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan, UBND các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản trí tuệ; xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương. Tiếp tục quảng bá, tuyên truyền, nâng cao uy tín, khả năng nhận diện đối với các NHTT, CDĐL, xúc tiến thương mại. Các tổ chức tập thể sở hữu nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ thành công, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật. Tích cực, chủ động trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ của mình; nêu cao tinh thần tự bảo vệ, chống hành vi xâm phạm của các tổ chức, cá nhân khác. Năng động hơn trong quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường. Chủ động đầu tư, đóng góp nguồn lực để phát triển các công cụ quản lý chất lượng sản phẩm, các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ. Đầu tư in ấn các tài liệu giao dịch, quảng bá, tem nhãn mang logo NHTT, CDĐL để làm công cụ quản lý hiệu quả…