Doanh nghiệp cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu và công bố công khai điểm bán, rà soát hệ thống phân phối để người tiêu dùng biết, hiểu và tin dùng cũng như phân biệt được sản phẩm hàng hóa.
Tại hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” được tổ chức ngày 6/6 tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, với nhiều hình thức tinh vi hơn, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp phản ánh, hàng giả, hàng nhái đang tràn lan khắp nơi nhưng chưa được quản lý hiệu quả. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các thương hiệu Việt, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách hữu hiệu hơn nữa trong việc phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, có tính răn đe hơn đối với các hành vi vi phạm.
Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần thực thi ráo riết, mạnh mẽ hơn trong thực tế, bởi chỉ khi quản lý chặt và xử lý nghiêm minh các vi phạm thì mới đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Ngược lại, các chuyên gia cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ sản phẩm và thương hiệu của mình. "Doanh nghiệp cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu và công bố công khai điểm bán, rà soát hệ thống phân phối để người tiêu dùng biết, hiểu và tin dùng cũng như phân biệt được sản phẩm hàng hóa giả - thật" - ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh.
Thêm vào đó, người tiêu cùng cần có ý thức bảo vệ quyền lợi, lợi ích của mình thông qua việc tìm hiểu kỹ lưỡng và phân biệt được chất lượng sản phẩm tiêu dùng để có lựa chọn đúng - chuẩn./.