Tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô ngày càng diễn biến phức tạp. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc, trong 5 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng - từ thành phố đến cấp huyện, xã đã tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; qua đó xử lý kịp thời các vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Xử phạt vi phạm hơn 1 tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 5 tháng qua, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn về
an toàn thực phẩm cho những người hoạt động tại các
bếp ăn tập thể, doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh thực phẩm, thành phố cũng đã thành lập 822 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 719 đoàn liên ngành. Các đoàn đã kiểm tra 37.280/42.125 lượt cơ sở (đạt 85,5%), trong đó tuyến thành phố kiểm tra 105 lượt cơ sở, tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn kiểm tra 37.175 lượt cơ sở. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính với 687 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, hạn chế kinh doanh, do đó, số lượt kiểm tra và xử phạt vi phạm trong 5 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2019. Qua kiểm tra cho thấy, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất
chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để đạt yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn thấp. Bên cạnh đó còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm,
thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…
Là địa bàn tập trung đông cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong 5 tháng đầu năm nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Long Biên được duy trì thường xuyên và nghiêm túc. Các cơ quan chức năng của quận đã kiểm tra 920 lượt cơ sở, thanh tra 382 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở với tổng số tiền 118 triệu đồng. Cùng với đó, quận cũng phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm
bếp ăn tập thể trường học; xây dựng khu chợ an toàn thực phẩm...
Còn tại quận Đống Đa, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm, cán bộ quản lý an toàn thực phẩm từ quận đến phường còn tham gia hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm. Thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm, sự cố khẩn cấp về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý được xử lý kịp thời trong vòng 24 giờ khi nhận được tin, qua đó, cảnh báo nhanh cho cộng đồng.
Đẩy mạnh kiểm tra, phòng chống ngộ độc
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết nắng nóng như hiện nay tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, làm thức ăn dễ ôi thiu. Thêm vào đó, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh đang tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, tập trung vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, theo ông Trần Văn Chung, để đẩy mạnh công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao, như: Thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh
nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… Từ đó, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ khuyến cáo, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở các
cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”. Điều quan trọng để phòng, chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm là người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, góp phần phòng, tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng