0908.326.779 - 0906.362.707
 

Giám sát chất lượng nông sản: Lúng túng vì quy định pháp lý

07/02/2020    4.6/5 trong 5 lượt 
Giám sát chất lượng nông sản: Lúng túng vì quy định pháp lý
Kết quả giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, đây vẫn là vấn đề tiềm ẩn nhiều nỗi lo
Bên cạnh nhiều yếu tố khách quan tác động, những bất cập trong quy định quản lý cũng được xem là nguyên nhân.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, trong năm 2019, đơn vị đã tổ chức thanh tra, kiểm tra ATTP đối với 185 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Qua giám sát, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 38 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 250 triệu đồng.
Năm qua, Chi cục cũng đã phát hiện và xử lý hơn 8,8 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản có vi phạm các quy định về ATTP. Trong đó, chủ yếu là các lỗi: Không có nhãn hàng hóa; nhãn hàng hóa hết hạn sử dụng; sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc thiếu nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu)…
Chi cục cũng đã lấy 970 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản để giám sát các chỉ tiêu ATTP. Kết quả phân tích cho thấy, có 910 mẫu đáp ứng các chỉ tiêu ATTP, phát hiện 60 mẫu có vi phạm (chiếm tỷ lệ 6,2% tổng số mẫu). Điều đáng mừng là năm 2019, tỷ lệ số mẫu có vi phạm các chỉ tiêu ATTP đã giảm gần 50% so với năm 2018, dù tỷ lệ mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh (Salmonella) trên thịt còn cao…
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, thực tiễn công tác giám sát chất lượng ATTP hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có cả những vấn đề liên quan tới quy định quản lý Nhà nước.
Đơn cử, hiện nay chưa có văn bản quy định về mức giới hạn cho phép đối với một số chỉ tiêu phân tích như: Histamin, urê trong nước mắm; thuốc bảo vệ thực vật Permethrin, Profenofos trong rau muống, ngọn su su; các chất cấm sử dụng trong nông nghiệp như: Leucomalachite Green, Malachite Green, Enrofloxacine, Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Enrosulfan… Do đó, việc giám sát của các đơn vị chức năng có lúc, có nơi còn lúng túng.
Bên cạnh đó, quy định của ngành nông nghiệp về tồn dư nhóm Beta – Agonist trên thịt (Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamil) đang không đồng nhất so với quy định của Bộ Y tế. Một số quy định xử phạt hành chính về ATTP cũng được cho là chưa cụ thể và đầy đủ so với tình hình thực tế…
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế thống nhất các quy định chung giữa hai ngành đối với tồn dư nhóm Beta – Agonist trên thịt để làm căn cứ xử lý vi phạm. Bổ sung quy định về việc kiểm tra các chỉ tiêu tồn dư trong sản phẩm nhập khẩu trước khi cấp phép kiểm dịch nhập khẩu.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý các sản phẩm, nhóm sản phẩm còn thiếu, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tự công bố chất lượng sản phẩm hoặc khuyến khích tự công bố chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát chất lượng ATTP nông lâm thủy sản trong năm 2020.
LÂM NGUYỄN