Từ nhiều tháng qua, Hà Nội đã chủ động triển khai các chương trình kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố, nhằm thực hiện tốt việc dự trữ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của người dân. Các cơ quan chức năng của thành phố cũng cam kết bình ổn thị trường cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Nguồn cung dồi dào, đa dạng
Ngay từ tháng 11, hàng loạt chương trình như: Tháng khuyến mại Hà Nội, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam; Tuần lễ nông sản và sản phẩm, đặc sản các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái... do Công ty cổ phần Central Retail Corporation (sở hữu chuỗi siêu thị Big C), Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) tổ chức với các sản phẩm, đặc sản như: Thịt lợn sấy, thịt trâu sấy Tây Bắc; khoai sâm, nấm hương tươi Sa Pa; tương ớt Mường Khương; gạo nếp Thẩm Dương; khô cá lóc Đồng Tháp… đã được tổ chức nhằm cung cấp thêm sự lựa chọn trong tiêu dùng cho người dân Thủ đô.
Các sản phẩm này đều có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận VietGAP, xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn… Tất cả các thông tin liên quan đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm được niêm yết công khai và giữ nguyên giá sau khi sản phẩm được kết nối, tiêu thụ tại Hà Nội.
Đến tham quan và mua sắm tại Tuần lễ Nông sản - đặc sản và sản phẩm OCOP của Lào Cai tại Hà Nội năm 2019 ở siêu thị Big C ngày 6-12, bà Nguyễn Thị Hải Anh (trú tại số nhà 8 phố Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Những năm gần đây, các hội chợ, tuần lễ hàng hóa nông sản, đặc sản do thành phố Hà Nội tổ chức là điểm thu hút đặc biệt đối với người dân Thủ đô. Tôi rất mong chờ những chương trình này để có thể chọn mua được nhiều sản phẩm đặc sản của các vùng, miền có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng cho gia đình sử dụng”.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Hiện, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường; dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ dịp Tết với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng 10-25% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã tăng dự trữ hàng hóa 30-50% so với cùng kỳ năm trước”.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) thông tin: "Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op - đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.op Food…) đã ký kết với các đơn vị cung cấp lớn như: Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam… nhằm bảo đảm nguồn cung dự kiến khoảng 3.500-4.500 tấn thịt lợn an toàn, có giá tốt cho thị trường Hà Nội từ nay đến sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020".
Còn ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: “Siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong đó có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà. Chúng tôi kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội đồng thời bảo đảm không tăng giá trong dịp Tết”.
Ngăn chặn tình trạng găm hàng, khan hàng
Giá thịt lợn tại các siêu thị luôn được kiểm soát để giữ sự bình ổn, nhưng tại các chợ dân sinh, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, vẫn có xu hướng tăng. Bà Trần Thị Hải, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) phản ánh, hiện giá lợn hơi lên tới 10,5 triệu đồng/tạ, tăng hơn 1 triệu đồng/tạ so với tháng trước, kéo theo giá các loại thịt lợn lên mức 160.000-180.000 đồng/kg và có thể tiếp tục tăng dịp cận Tết.
Về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu quý III-2019 đến nay, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu được duy trì ổn định, ngoại trừ mặt hàng thịt lợn do bệnh Dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung giảm mạnh nên giá bị đẩy lên cao. Trước diễn biến đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT làm đầu mối bình ổn giá thịt lợn, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân dịp Tết.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khuyến cáo, vì nguồn cung thực phẩm từ sản xuất trong nước và nhập khẩu rất dồi dào, nên người dân không phải lo ngại. Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt gà và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18%; thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh từ 25% xuống 22%. Với phương án này, người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi do giá sản phẩm giảm.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã yêu cầu Sở NN&PTNT báo cáo tình hình nguồn cung mặt hàng thịt lợn, gia súc, gia cầm, thủy hải sản, các mặt hàng thực phẩm chế biến định kỳ 10 ngày/lần tính từ ngày 1-12-2019 đến hết ngày 28-2-2020, để trên cơ sở đó bảo đảm bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thông tin thêm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao dịp Tết, trong đó có các mặt hàng thực phẩm, nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, khan hàng gây sốt giá; vi phạm các quy định của pháp luật về giá cả, đo lường, chất lượng...
Ngày 6-12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 5439/UBND-KT, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn, phục vụ nhu cầu của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.