Ngày 11/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 và triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2020.
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và 63 tỉnh thành từ 63 điểm cầu trên cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo Bộ Y tế, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong, giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về ATTP, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ...
Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo ATTP vẫn hết sức khó khăn. Cùng với đó, thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân, nòi giống, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế. Trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội, đặc biệt là sự huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia.
Phó Thủ tướng cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý ATTP và ban hành Nghị quyết 43 năm 2017, tới nay tình hình đã có chuyển biến tốt hơn rất nhiều. Không ít doanh nghiệp, hộ cá nhân, các gia đình đã tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật tham gia các phong trào vận động đảm bảo vệ sinh ATTP.
Tuy nhiên, vẫn cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân để mọi người dân Việt Nam được bảo đảm vệ sinh ATTP như các nước phát triển, hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển.
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh ATTP, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải nhận thức rõ việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc. Những hành vi này cần được chỉ rõ, lên án và xử lý nghiêm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá thẳng thắn, toàn diện kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm những năm qua, các điểm tốt, tồn tại cần tập trung khắc phục. Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt pháp luật và các cuộc vận động các phong trào về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước.
Riêng đối với tỉnh Yên Bái, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8.878 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Toàn tỉnh đã hoàn thiện được 876 thủ tục hành chính và 2.485 cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong năm 2019, trên địa tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 9 người mắc, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội mùa xuân năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã kiểm tra 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đầu mối cung cấp thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh, lập biên bản xử lý 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với số tiền 23 triệu đồng. Tính đến ngày 10/1/2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào