Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, tại địa phương có khoảng 500 cơ sở sản xuất rượu thủ công chưa được cấp phép hoạt động. Sau 5 ngày kiểm tra, đơn vị đã thu giữ hơn 2.000 lít rượu, lấy 10 mẫu gửi tới cơ quan chức năng thẩm định chất lượng.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 14/3, Đội Quản lý thị trường số 27 (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, tổ công tác liên ngành gồm công an, cán bộ y tế đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hảo, chủ cơ sở kinh doanh rượu Duy Hảo sau nhiều ngày rời khỏi nhà. Tại đây, tổ công tác chưa phát hiện hoá chất, cồn công nghiệp dùng để pha chế rượu. “Bà Hảo thừa nhận mua rượu từ nơi khác về, sau đó dán nhãn mác để bán ra thị trường lấy lời. Cơ quan điều tra đã thu giữ mẫu rượu tại đây để thẩm định”, vị Phó đội trưởng nói.
Cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng cho biết, ngay sau khi Sở Công thương thông báo về 7 vụ ngộ độc methanol có liên quan đến rượu (xảy ra từ ngày 22-28/2) đơn vị đã lập tổ công tác liên ngành gồm Phòng Y tế, Đội Quản lý thị trường huyện kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở trên địa bàn. UBND huyện cũng gửi công văn yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất thủ công, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống.
Bên trong một cơ sở sản xuất rượu thủ công ở huyện Đan Phượng.
Còn đại diện Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho hay, tại địa phương có khoảng 500 hộ dân nấu rượu thủ công tại nhà. Tổ công tác liên ngành đã thu giữ hơn 2.000 lít rượu và lấy hơn 10 mẫu khác nhau gửi tới các cơ quan chức năng thẩm định. Đa số các cơ sở đều tự sản xuất và bán cho người dân địa phương sử dụng, không có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng cơ sở sản xuất Bắc Hùng, chủ hộ là Nguyễn Gia Hùng (liên quan trực tiếp vụ việc), tổ công tác đã kiểm tra tại chỗ, tuy nhiên chưa phát hiện có dấu hiệu sử dụng hoá chất, cồn công nghiệp để làm rượu.
“Để được cấp phép sản xuất rượu thủ công, chủ cơ sở phải có chứng nhận công bố chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký nhãn hiệu. Đơn vị mới cấp phép cho 2 doanh nghiệp và 2 hộ bán lẻ rượu. Phòng Kinh tế từng nhiều lần vận động người dân đăng ký giấy phép tuy nhiên hầu hết chủ cơ sở đều phản hồi chỉ sản xuất tại nhà phục vụ người thân, bà con lối xóm và lấy bỗng rượu chăn nuôi nên đa số họ không đăng ký”, vị phó trưởng phòng cũng cho biết.
Trước câu hỏi, 500 cơ sở sản xuất rượu thủ công không đăng ký thì việc quản lý các điểm pha chế rượu cồn công nghiệp chứa methanol bán ra thị trường thực hiện ra sao? Vị phó trưởng phòng cho biết, qua kiểm tra thực tế tại địa phương, lực lượng liên ngành chưa phát hiện, xử lý cơ sở nào pha chế rượu cồn công nghiệp.