Việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến quận, huyện và xã phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP
Ngày 10/3, tại hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP cho biết sau 1 năm thí điểm (từ 15-11-2015 đến 15-11-2016) ngành chức năng đã kiểm tra hơn 3.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm ở Hà Nội và gần 4.000 cơ sở ở TP Hồ Chí Minh.
Vẫn còn tình trạng giao phó cho y tế
Thông tin tại hội nghị, đại diện Chi cục ATVSTP Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đợt kiểm tra tại 5 quận, huyện (quận 3, quận 5, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) đã phát hiện sai phạm về ATTP tại hơn 2.100, xử phạt hơn 4,1 tỉ đồng. So với cùng kỳ 2015, số cơ sở bị phạt tiền tăng mạnh tới 270%, số tiền phạt tăng hơn 212%.
Báo cáo của Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1, 2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số cơ sở bị xử phạt tiền và tổng số tiền phạt đều tăng xấp xỉ 240%. Sai phạm thường gặp là thực phẩm chất lượng, sử dụng phụ gia, hoá chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng (là chất cấm, ngoài danh mục, quá giới hạn), vi phạm về điều kiện vệ sinh, công bố sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ; không có giấy kiểm dịch thú y; sản phẩm thực phẩm không được công bố theo quy định...
Trong 1 năm thí điểm, thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã phường đã xử phạt hơn 5,3 tỷ đồng các sai phạm về ATTP
Tại Hà Nội, trước khi thực hiện có 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản và thủy sản cơ sở xếp loại C, sau khi thực hiện thí điểm có 34 cơ sở được nâng xếp hạng từ C lên A, B. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thực hiện thí điểm không còn cơ sở xếp loại C.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Châu cũng cho rằng các vướng mắc trong thực hiện chính sách này như: nhiều địa phương thiếu nhân lực, không có cán bộ chuyên trách hay cán bộ chuyên môn về ATTP, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhưng còn tâm lý sợ sai, ngại va chạm, không dám làm, nhất là cán bộ ở cấp xã phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết… Mặt khác, qua kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho phòng y tế quận huyện, trạm y tế xã phường nên hiệu quả không cao.
Mở rộng thanh tra nhiều lĩnh vực
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến quận, huyện và xã phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP.
Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại tăng lên so với cùng kỳ năm 2015.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng nhấn mạnh, thông qua triển khai hoạt động thanh tra và tuyên truyền về ATTP, người dân yên tâm hơn khi thấy Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp vào cuộc quyết liệt giải quyết vấn đề ATTP, giảm bớt phần nào lo lắng của người dân về vấn nạn mất ATTP.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận huyện, xã phường, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm mô hình này. Theo đó, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ mở rộng thí điểm ra tất cả các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn trong thời gian 1 năm tới.
Ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cũng đề xuất thêm 7 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hà Tĩnh và Gia Lai. Thời gian thí điểm dự kiến là 1 năm.
Đồng thời đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tập huấn, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thí điểm triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá việc thí điểm và đề xuất mô hình sau khi kết thúc thời gian thí điểm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tham gia thí điểm phải quyết liệt vào cuộc để đảm bảo kết quả thực hiện với mục tiêu đảm bảo ATTP cho người dân và xã hội.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, lần này mở rộng thí điểm sẽ mở rộng đối tượng thanh kiểm tra, không phải chỉ dịch vụ ăn uống mà có thể làm cả thực phẩm chức năng, thuốc thú y…. Nội dung thanh kiểm tra cũng mở rộng hơn rất nhiều, chẳng hạn thức ăn đường phố không phải chỉ kiểm tra giấy phép mà cả nguồn gốc thực phẩm, thậm chí cả giấy tờ thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật