Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự lễ.
Theo quyết định, mô hình hình này được thành lập thí điểm trong ba năm, sau đó tổ chức đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm. Theo cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý An toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh với 500 biên chế. Trong đó cán bộ công chức được tuyển chọn từ ba đơn vị là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh gồm sáu phòng chuyên môn là: Phòng Pháp chế, Phòng Thanh tra, Phòng Nghiệp vụ, Phòng Truyền thông, Phòng Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và tại 24 quận, huyện cũng có Phòng Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của các quận, huyện.
Tại buổi lễ, UBND TP Hồ Chí Minh Thành phố đã trao quyết định bổ nhiệm nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Khánh Lan làm Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có hai phó ban là nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh Lê Minh Hải; nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Thị Kim Cúc.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mỗi năm, trên địa bàn thành phố tiêu thụ khoảng 287 nghìn tấn thịt, hơn một tỷ quả trứng, khoảng một triệu tấn rau và 170 nghìn tấn thủy sản nhưng nông thủy sản do thành phố tự sản xuất chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu, còn lại phải nhập từ nhiều nguồn và phần lớn chưa kiểm soát được nguồn gốc. Do đó, thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cần chú trọng công tác chống thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thịt heo, nguồn gốc rau củ quả… bảo đảm nguyên liệu thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.