Ẩm thực đường phố không chỉ là "đặc sản" của Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong cũng rất nổi tiếng với các món ăn vỉa hè. Vậy ở nước ngoài, họ sẽ có quy định ra sao?
Từ lâu, ẩm thực đường phố đã trở thành món khoái khẩu của nhiều người: từ các món bánh trái hoa quả dân dã cho tới đồ nướng, bún phở; những món ăn đòi hỏi kỳ công chế biến hơn, tất cả đều có trên vỉa hè. Thậm chí, đi du lịch chưa cần biết ở đâu xem gì, người ta đã phải hỏi ngay: "Chỗ nào có món vỉa hè ngon nhất!".
Nhưng biết bao nhiêu cái vỉa hè như vậy cho vừa: vừa lối đi, vừa nhà cửa buôn bán rồi cả bán hàng rong nữa? Vậy mà nhiều nước, họ vẫn nghĩ ra cách giải quyết ổn thỏa để ai cũng vui vẻ.
Ở nước ngoài, việc bán rong trên vỉa hè được quy định như thế nào?
Thái Lan
Tại Thái Lan, dù bạn có thể thấy hàng rong ở khắp mọi nơi, dù ở cả các thành phố lớn nhưng trên thực tế, họ vẫn có quy định về việc buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lề phố.
Những quầy bán hoa quả trên phố tại Thái Lan.
Tại Bangkok, những người bán hàng rong phải đăng ký với cơ quan quản lý đô thị Bangkok để có thể buôn bán một cách hợp pháp. Năm 2013, có khoảng 20,000 hàng rong buôn bán hợp pháp tại thành phố Bangkok. Những người đăng ký kinh doanh sẽ phải đóng một khoản tiền hàng tháng.
Ngoài ra, thành phố Bangkok cũng thiết lập các khu vực công cộng làm nơi tập trung những người bán hàng rong. Có khoảng vài trăm khu bán hàng rong ngoài trời như vậy, rải rác trên 50 quận của thành phố.
Ngoài ra, tại nhiều tuyến đường cũng cấm bán hàng rong trong giờ cao điểm. Ví dụ, tại đường Ratchadamri, Tha Phrachan, các xe bán hàng rong không được phép hoạt động từ 5 đến 7h tối để nhường đường cho người đi bộ. Ngoài ra, thành phố còn dành ra 1 ngày làm ngày quét dọn toàn thành phố, không cho phép việc bán hàng rong diễn ra.
Một khu bán hàng rong tập trung tại Thái Lan.
Hàn Quốc
Theo quy định, những người bán hàng rong tại Hàn Quốc cũng phải có giấy phép hoạt động. Ở thành phố Seoul cũng có những khu vực được dành riêng cho các hoạt động buôn bán hàng rong.
Việc bán hàng rong cũng được hạn chế trên phố ở Hàn Quốc.
Singapore
Tại đảo quốc sư tử, việc bán hàng rong cũng phải đăng ký với chính quyền và cơ quan quản lý. Những người bán hàng rong phải được tập huấn về các quy định an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm trước khi được phép kinh doanh.
Chính quyền Singapore hạn chế việc bán hàng rong tại các khu phố đông đúc phương tiện qua lại. Tuy nhiên, để đảm bảo các hoạt động cho khách du lịch và người dân địa phương, Singapore đã mở ra khoảng 107 trung tâm ẩm thực với 15.000 gian hàng trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, các trung tâm ẩm thực cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt mà những người bán hàng phải tuân thủ, như việc không có quá nhiều gian hàng kinh doanh giống nhau trong một khu hay mức phí mà phần lớn người bán rong phải trả là dưới 1,500 USD.
Một khu buôn bán hàng rong tập trung tại Singapore.
Hong Kong
Tại Hong Kong, những quy định về bán hàng rong trên vỉa hè cũng rất chặt chẽ. Việc hạn chế cấp phép cũng như chuyển nhượng giấy phép đã đẩy số hàng rong hợp pháp tại Hong Kong từ hơn 50,000 hàng rong vào năm 1974 xuống còn 6,000 như ngày nay.
Với nỗi lo về an toàn vệ sinh cũng như việc giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các tuyến đường chính, hàng rong cũng bị hạn chế rất nhiều tại Hong Kong. Nhiều người lo ngại rằng trong tương lai khoảng 50 năm tới, những gánh hàng rong sẽ biến mất hoàn toàn tại Hong Kong.
Các món ăn đường phố khoái khẩu tại Hong Kong.
Châu Âu
Tại châu Âu, những quy định về bán hàng rong trên phố cũng được thắt chặt nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như không gian đi bộ, an toàn giao thông.
Tại thành phố Viên, Áo, những người bán hàng rong phải lập bản kế hoạch, trong đó có chi tiết những thứ như nơi họ muốn mở quầy bán rong, quầy bán rong trông sẽ ra sao, xử lý rác thải như nào và danh sách máy móc họ muốn trang bị.
Tại Anh, mọi thứ còn chặt chẽ hơn. Nếu một người nào đó muốn có giấy phép kinh doanh, họ phải có bảo hiểm hợp pháp cho tất cả nhân viên, có giấy tờ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và đăng ký với cơ quan sức khỏe môi trường 4 tuần trước khi đi vào hoạt động.
Tại Thụy Sỹ, một khi có giấy phép chấp thuận từ cơ quan an toàn thực phẩm, họ có thể nộp đơn đăng ký giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên giá của nó cũng khá đắt. Hơn nữa, Thụy Sỹ cũng không có nhiều khu vực công cộng cho hàng rong nên nếu muốn buôn bán, họ phải "hỏi xin" những chủ kinh doanh mặt tiền trên phố khác cho họ "để nhờ".
Còn tại Pháp, các cửa hàng có thể đặt bàn ghế trên vỉa hè nhưng bắt buộc vẫn phải giành chỗ cho người đi bộ. Theo quy định, bàn ghế phải nằm gọn trong phần mái hiên quy định khoảng 3-6m