0908.326.779 - 0906.362.707
 

Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn

22/02/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn
Đó là quyết tâm của ngành NN & PTNT trong việc tiếp tục thực hiện năm cao điểm ATTP 2017. Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng một số chuỗi thực phẩm an toàn trong năm cao điểm ATTP 2016 vừa qua đã có những hiệu ứng rõ rệt.
Điển hình là thực hiện đấu tranh với chất cấm, kháng sinh cấm trong sản xuất, kinh doanh, ngành đã lấy 117 mẫu thức ăn chăn nuôi, phân bón, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi… Qua kiểm nghiệm, tỷ lệ mẫu vi phạm chiếm 4,79%, cao hơn năm 2015. Mặc dù kết quả không có chất cấm nhưng qua đó bộc lộ một số tồn tại, bất cập trong quản lý, dẫn đến vẫn còn dư lượng kháng sinh, sử dụng kháng sinh vượt ngưỡng trong sản phẩm thịt, trong đó có sản phẩm thịt từ tỉnh Phú Thọ đưa vào.
 
Các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra trên diện rộng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
 
Qua kiểm tra 694 lượt cơ sở đã đánh giá cụ thể về kinh doanh VTNN có 55 cơ sở xếp loại A, 305 cơ sở xếp loại B và 140 cơ sở xếp loại C. Về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, có 11 cơ sở xếp loại A, 131 cơ sở xếp loại B và 52 cơ sở xếp loại C. Đối với các cơ sở xếp loại C đã thực hiện tái kiểm tra, nâng hạng cho 3 cơ sở, thu hồi 3 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi 1 đăng ký kinh doanh.
 
Có thực tế là hiện nay, so với các tỉnh bạn, việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh còn khiêm tốn, mới hình thành được 4 chuỗi thực phẩm an toàn, chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội. Thực trạng sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật diễn biến phức tạp. Còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV trong trồng trọt; kháng sinh hóa chất trong chăn nuôi và kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; sử dụng chất cấm trong chế biến và bảo quản thực phẩm; giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Thêm vào đó, việc buôn bán thuốc BVTV và thuốc thú y nhỏ lẻ khá phổ biến tại các chợ cóc, chợ phiên khó quản lý. Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa qua kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh thú y còn diễn ra. Công tác quản lý ở địa phương cấp huyện, xã còn hạn chế, chưa quyết liệt thu hồi giấy phép và xử phạt hành chính các cơ sở kinh doanh VTNN xếp loại C.
 
Ngành NN & PTNT đang khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động năm cao điểm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, tăng cường giám sát, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung vào nhóm xếp loại C cả trong VTNN và chế biến thực phẩm. Tăng cường thanh tra đột xuất và phối hợp liên ngành, đồng thời tổ chức lại lực lượng phối hợp thanh, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo cho người sản xuất, kinh doanh và người dân sản xuất, kinh doanh đúng luật. Mặt khác, tăng cường khâu sản xuất đầu vào, trong đó chuỗi thực phẩm an toàn là quan trọng nhất, lồng ghép chương trình MTQG xây dựng NTM để tăng thêm các chuỗi thực phẩm an toàn, đôn đốc các huyện xây dựng các cửa hàng thực phẩm sạch nhằm hình thành địa chỉ tin cậy để người dân biết, trao đổi, mua bán, tiến tới tẩy chay thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.
 
Hiện nay, Sở NN & PTNT đã trình UBND tỉnh xây dựng 5 chuỗi thực phẩm an toàn, bao gồm chuỗi cá, thịt, cây ăn quả có múi và rau. Các huyện đang xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm lợi thế của địa phương, điển hình như Lạc Thủy, Lương Sơn và tới đây là thành phố Hòa Bình, các huyện: Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn, Yên Thủy. Giải pháp để có thêm nhiều chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn đang được ngành đẩy mạnh là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi, đẩy mạnh kết nối hợp tác tiêu thụ giúp đồng bộ thực hiện việc phục vụ, cung ứng nguồn thực phẩm an toàn đến thị trường trong và ngoài tỉnh. 
Bùi Minh