Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương TPHCM trong 2 năm 2015 và 2016. Nhưng do nguồn kinh phí chưa được bổ sung kịp thời, lực lượng quá mỏng nên kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn
Triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND TPHCM, năm 2015 Sở Công thương đã xây dựng, hoàn chỉnh đề cương dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm
ATTP và được UBND TPHCM phê duyệt. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân, đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Song song với quá trình xây dựng dự án, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng khác khảo sát và đánh giá điều kiện ATTP tại một số chợ trên địa bàn thành phố theo bộ tiêu chí của mô hình. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Sở Công thương đã trình và được UBND TPHCM chấp thuận, cho phép tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP” tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Để triển khai hiệu quả dự án trên (giai đoạn 2016-2020), tháng 12-2016 TPHCM đã đưa đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc
thịt heo” vào thực tế. Đến nay các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã đăng ký tham gia đề án gồm 60 cơ sở chăn nuôi (khoảng hơn 1.000 trang trại) với sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày; 18
cơ sở giết mổ gia súc; 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn, 4 chợ lẻ và 338 điểm bán lẻ thuộc các hệ thống phân phối hiện đại… Hiện Sở Công thương đang hoàn tất các bước để tiếp tục đưa thêm 2 mặt hàng là thịt và
trứng gia cầm vào diện truy xuất nguồn gốc.
Trước đó, năm 2015, Sở Công thương đã triển khai thành công chương trình “Chuỗi thực phẩm an toàn” với mục tiêu xây dựng hệ thống phân phối cung ứng thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thuộc chuỗi, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,
HACCP... tiếp cận người tiêu dùng. Đến nay, có 9 đơn vị đăng ký thực hiện công bố tổng số 285 điểm bán trên toàn địa bàn thành phố. Hiện sở vẫn đang phối hợp cùng các sở, ngành chức năng, các tỉnh thành khác tổ chức các chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các tỉnh về TPHCM nhằm đa dạng nguồn hàng, tạo thêm sự lựa chọn cho người dân.
Bên cạnh công tác tổ chức cho các đơn vị đăng ký tham gia, sở đang đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông bằng các hình thức như triển khai kế hoạch treo băng rôn, đặt thiết bị ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các tuyến đường, chợ,
siêu thị, trung tâm thương mại,
cửa hàng tiện lợi, cửa hàng
kinh doanh thực phẩm…, thiết kế VCD giới thiệu về đề án, tài liệu tập huấn cho từng đối tượng tham gia, xây dựng lịch tập huấn cho các đối tượng tham gia đề án. Mặt khác, để hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc triển khai và phát triển đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Sở Công thương phối hợp các sở, ngành thực hiện góp ý, xây dựng dự thảo các văn bản về triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” theo đề nghị của Ban Quản lý đề án…
Còn nhiều tồn tại, khó khăn
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, nhờ thường xuyên phối hợp và triển khai các hoạt động quản lý ATTP, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền - giáo dục; công tác giám sát lấy mẫu; công tác phát triển chuỗi thực phẩm an toàn; công tác thanh tra, kiểm tra... qua đó đã nâng cao ý thức chấp hành các quy định về
an toàn thực phẩm của các cơ sở, nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn; kịp thời ngăn chặn, thu giữ và tiêu hủy nhiều loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc đang lưu thông trên thị trường đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh những mặt đạt được, nhưng sau 2 năm triển khai công tác về ATTP của ngành công thương TPHCM vẫn còn những tồn tại. Cụ thể, Thông tư số 58/2014 của Bộ Công thương về quy định cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, không quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ mà chỉ thực hiện cam kết với cơ quan có thẩm quyền nên việc quản lý chưa được chặt chẽ, chưa có cơ sở quy định xử phạt việc chấp hành thực hiện cam đối với hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Công tác kiểm tra, kiểm soát chưa toàn diện, chuyên sâu, có lúc còn bị động trong công tác phối hợp giữa các ngành y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan.
Nguồn kinh phí để triển khai các công tác đảm bảo ATTP của ngành công thương chưa được quan tâm, phân bổ kịp thời, phù hợp với thực tế quy mô, phạm vi quản lý của ngành. Đáng lưu ý, lực lượng cán bộ phụ trách ATTP ngành công thương TPHCM hiện nay còn rất hạn chế, quá trình triển khai công tác còn gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Công thương, số cán bộ được bố trí làm công tác ATTP chỉ có 9 người, tương ứng với tỷ lệ 1 triệu dân mới có 1 cán bộ chuyên trách.
Đối với công tác quản lý ATTP tại chợ truyền thống, theo Thông tư liên tịch 13/2014, cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm (bao gồm chợ, siêu thị…) thuộc thẩm quyền quản lý của ngành công thương. Tuy nhiên, loại hình chợ truyền thống bao gồm nhiều ngành hàng, trong đó có những lĩnh vực do các ngành khác quản lý như thực phẩm tươi sống (rau củ quả, thủy hải sản, thịt tươi sống...),
dịch vụ ăn uống, phụ gia hóa chất... Do đó, với điều kiện trang thiết bị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức hiện nay của sở, công tác quản lý, kiểm soát ATTP tại chợ truyền thống cần có sự tham gia, phối hợp giám sát của các sở, ngành chức năng và các đơn vị chức năng có liên quan mới thì công tác kiểm tra, giám sát mới mang lại hiệu quả cao hơn.
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý ATTP năm 2017, Sở Công thương kiến nghị, các bộ, ngành cần ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thực phẩm làm cơ sở cho việc
công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định và căn cứ để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Về thủ tục hành chính xác nhận kiến thức ATTP, Bộ Công thương cần nghiên cứu ban hành quy định phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể trong công tác phụ trách quản lý kiểm tra kiến thức ATTP đối với hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn TPHCM.
Kiến nghị Bộ Công thương có ý kiến với Bộ Tài chính phân bổ nguồn vốn ngân
sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và phù hợp với quy mô, phạm vi quản lý của TPHCM và xem xét, phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện công tác tổ chức đánh giá, kiểm tra kiến thức ATTP.
Về phía UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP, giúp nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ các thông tin.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương, cùng với việc triển khai các chương trình, đề án theo chức năng được phân công thì sở còn thực hiện hoạt động lấy mẫu giám sát, thanh kiểm tra; quản lý và cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm; tổ chức tiếp nhận 2.081 hồ sơ, trong đó thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 1.747 cơ sở, từ chối cấp 275 hồ sơ; công tác cấp giấy xác nhận nội dung
quảng cáo thực phẩm; cấp 1.803 giấy xác nhận kiến thức về ATTP; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra và giám sát thực hiện...