Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2016, trên địa bàn thành phố đã phát hiện hơn 9 nghìn trường hợp vi phạm về
ATTP, trong đó, hơn 3.700 trường hợp bị xử phạt với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành chức năng đã cảnh cáo 484 cơ sở, đình chỉ bảy cơ sở, tịch thu và tiêu hủy 99 tấn thực phẩm các loại. Và vẫn còn nhiều bất cập do có sự chồng chéo giữa ba ngành gồm y tế, công thương và nông nghiệp cùng tham gia quản lý từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn. Dù vậy, khi có sự cố xảy ra, không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Trưởng
Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc thí điểm mô hình Ban quản lý ATTP thành phố sẽ kiểm soát được ATTP từ trang trại tới bàn ăn của mọi gia đình, chấm dứt tình trạng một
miếng ăn có tới ba bộ quản lý, gây nên tình trạng chồng lấn như bao lâu nay.
Theo quy chế hoạt động đã xây dựng thì năm 2017, Ban quản lý ATTP thành phố sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính, đó là xây và chống. Thứ nhất, cương quyết chống thực phẩm bẩn bằng cách thiết lập và tăng cường hiệu quả của hệ thống thanh tra, hệ thống kiểm nghiệm hàng rào kỹ thuật cũng như quyết tâm và nỗ lực chống thực phẩm bẩn trên toàn thành phố. Thứ hai, xây dựng hệ thống thực phẩm sạch bằng cách tiếp tục nâng cao hiệu quả các chuỗi thực phẩm an toàn của vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, không chỉ là
thịt lợn, rau củ mà còn nhiều mặt hàng khác, cũng như phát triển những mô hình an toàn về
kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính trong việc cấp phép để không gây phiền hà cho người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức về ATTP cho mỗi người dân. Mục tiêu của Ban quản lý ATTP là làm sao để người dân thành phố cảm thấy an toàn và an tâm khi sử dụng thực phẩm.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm trên địa bàn thành phố tiêu thụ khoảng 287 nghìn tấn thịt, hơn một tỷ quả
trứng, khoảng một triệu tấn rau và 170 nghìn tấn
thủy sản nhưng nông thủy sản do thành phố tự sản xuất chỉ đáp ứng 15 đến 20% nhu cầu, còn lại phải nhập từ nhiều nguồn và phần lớn chưa kiểm soát được nguồn gốc. Công tác quản lý ATTP trên địa bàn còn nhiều bất cập, từng đơn vị, sở, ngành nếu chỉ trong thẩm quyền chuyên môn phụ trách sẽ không giải quyết triệt để. Do đó, đòi hỏi phải có cơ quan chuyên môn có đủ thẩm quyền, thống nhất một đầu mối quản lý chặt chẽ vấn đề ATTP từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến chế biến và đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, đây là mô hình thí điểm cho nên ban đầu sẽ có nhiều khó khăn. Do đó, để giải quyết cơ bản câu chuyện liên quan đến ATTP, không chỉ có sự nỗ lực của Ban quản lý ATTP mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân thành phố. "Các cơ quan chuyên môn có liên quan, UBND các quận, huyện phối hợp Ban quản lý ATTP thực hiện nhiệm vụ được giao, UBND thành phố sẽ luôn theo dõi, chỉ đạo sâu sát hoạt động của Ban quản lý cũng như bảo đảm ATTP của thành phố" - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh