Sử dụng nhãn hiệu hoặc biển hiệu có nội dung na ná với những nhãn hiệu đã nổi tiếng được nhận diện rộng khắp trên thị trường là cách mà rất nhiều nhà sản xuất hay cửa hàng đã và đang thực hiện
Nhiều người không hề biết rằng hành vi vi phạm Luật
Sở hữu trí tuệ này tuy đem lại cái lợi trước mắt, nhưng sẽ vô cùng tai hại về lâu dài.
Có thể kể đến một ví dụ điển hình: Cuối tháng 1/2015, thị trường Việt Nam xuất hiện loại mì ăn liền nhãn hiệu “Hảo Hạng, mì tôm chua cay” do Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu - Asia Food sản xuất với hình ảnh minh họa trên nhãn tương tự như sản phẩm mỳ Hảo Hảo vốn đã
đăng ký nhãn hiệu và sử dụng được 15 năm.
Asia Foods lập luận rằng họ đã có giấy chứng nhận
đăng ký nhãn hiệu độc quyền do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp. Tuy nhiên, sau đó Cục SHTT đã có văn bản cho biết mẫu gói mì ăn liền Asia Food sử dụng trong thực tế khác với mẫu được bảo hộ và dễ gây nhầm lẫn cho người dùng.
Nhãn hiệu “Cường hói” trên bảng hiệu của Gà tươi Mạnh Hoạch. Ảnh: INT
Mới đây nhất, Công ty TNHH thương mại Quốc Ấn kiện chuỗi
nhà hàng Gà tươi Mạnh Hoạch Cường 556 (sau đây gọi là Cường 556) xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Cường hói” - vốn được công ty đăng ký với Cục SHTT năm 2007. “Cường hói” là hệ thống nhà hàng - quán
bia có quy mô lớn, có nhiều địa điểm ở Hà Nội và đông khách. Trong khi đó, Cường 556 sở hữu chuỗi cửa hàng chuyên các món ăn về gà trên toàn quốc.
Ông Trần Quốc Cường - chủ công ty Quốc Ấn - cho biết: “Năm 2015, tôi phát hiện Cường 556 đổi tên thành “Nhà hàng Cường hói - gà tươi Mạnh Hoạch”. Sau khi công ty tôi gửi công văn lên Cục SHTT và cho Cường 556, họ đã gặp chúng tôi để hòa giải. Tôi yêu cầu họ gỡ bỏ biển hiệu bởi nó ảnh hưởng tới việc kinh doanh của chúng tôi, nhưng họ đã không thực hiện”.
Còn phía Cường 556 giải thích: “Chủ nhà mình cũng tên là Cường nên đặt là Cường hói thôi”.
Công ty Quốc Ấn đã nộp đơn đề nghị cơ quan giám định xem xét, đánh giá việc Cường 556 gắn nhãn hiệu “Cường hói” lên biển hiệu. Theo kết luận giám định
sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học SHTT - Bộ KH&CN ngày 7/4/2017, hành vi trên của nhà hàng Cường 556 là xâm phạm quyền sở hữu.
Cái giá phải trả
Theo luật sư Trần Thị Tám - Công ty Luật IPcom, lợi dụng nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng là xu hướng điển hình của các cơ sở kinh doanh nhỏ. Hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể giúp họ bán được nhiều hàng trong thời gian đầu, nhưng về lâu dài lại mang đến rủi ro vô cùng lớn.
Chẳng hạn, Asia Foods phải chấm dứt hành vi vi phạm, đăng báo công khai xin lỗi 3 kỳ liên tiếp, bồi thường 80 triệu đồng chi phí luật sư cho Vina Acecook; còn Cường 556 đã phải thay đổi toàn bộ
logo, biển hiệu, đồng phục... và cần rất nhiều thời gian để người tiêu dùng thích nghi với biểu tượng mới của nhà hàng. Đó là chưa kể tiếng xấu do hành vi vi phạm làm giảm giá trị
thương hiệu, có thể khiến họ mất nhiều khách hàng, mất uy tín.
Những công ty bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu cần làm gì để đòi lại quyền lợi chính đáng? Luật sư Tám cho biết, thiệt hại của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc thương hiệu được tính theo mức độ giảm sút doanh thu, uy tín, danh tiếng và một số tiêu chí khác theo Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Với những trường hợp xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu này, có khá nhiều cách xử lý như: Kiện ra tòa (ít xảy ra ở Việt Nam), báo với đội quản lý thị trường (được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì nhanh và giải quyết được triệt để trong ngắn hạn); báo Thanh tra Bộ KH&CN. “Do SHTT là quyền dân sự nên các chủ sở hữu phải tự mình phát hiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý chứ cơ quan nhà nước không tự đi kiểm tra cho mình được” - bà Tám tư vấn.
Còn ông Trần Quốc Cường nhận xét: “Việc bảo vệ tài sản trí tuệ vẫn chưa được doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tới nơi tới chốn. Đây là điều rất đáng nói bởi thương hiệu có giá trị vô cùng lớn với một doanh nghiệp, thậm chí còn lớn hơn giá trị của toàn bộ tài sản hữu hình cộng lại. Đây là một thứ tài sản vô giá”.