0908.326.779 - 0906.362.707
 

Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị được công nhận nhãn hiệu

24/05/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị được công nhận nhãn hiệu
Ông Mai Thanh Ngon - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị vừa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”

Ông Nguyễn Văn Sô - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Trị, cho biết: Giống lúa Tài Nguyên đục hay còn gọi Tài Nguyên sữa là giống lúa mùa đặc sản cho sản phẩm gạo thơm, ngon được nông dân huyện Thạnh Trị lưu giữ nguồn giống và phát triển. Giống lúa này có phẩm chất gạo ngon, hạt nhỏ có gan đục, cơm mềm, xốp, dễ ăn, thậm chí để nguội vẫn mềm cơm chứ không cứng như một số loại gạo khác nên rất được nhiều người ưa chuộng.

Theo ông Sô, giống lúa Tài Nguyên có khả năng chống chịu phèn mặn, rầy nâu và đạo ôn... Năng suất trung bình từ 7 tấn/ha, thậm chí có khi đạt trên 8 tấn/ha. So với các giống lúa khác, lúa Tài Nguyên Thạnh Trị không bao giờ bị mất giá, người trồng lúa không bao giờ sợ thương lái ép giá mà luôn được thương lái trân trọng bởi chỉ có Thạnh Trị mới có loại lúa đặc biệt này. Nhà nông trồng lúa Tài Nguyên cho thu nhập cao hơn so với các giống lúa khác.

Theo ông Lý Khoa (ngụ thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị), lúa Tài Nguyên một năm chỉ trồng một vụ Đông -Xuân (bà con gọi là vụ mùa), sản lượng luôn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Giá lúa hàng hóa luôn cao hơn giống chất lượng cao từ mức 1,2 - 2 lần/kg. Hiện tại, giá lúa hàng hóa từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, giá gạo từ 16.000 đồng/kg. Chi phí sản xuất cho mỗi ha lúa Tài Nguyên khoảng từ 18-20 triệu đồng, thu hoạch xong trừ chi phí người trồng lúa còn lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha.

Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu.
Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu.

Ông Mai Thanh Ngon - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, cho biết: Giống lúa Tài Nguyên Thạnh Trị đang được duy trì phát triển trên 6.500 ha/năm theo quy trình cánh đồng lớn, sản lượng lúa hàng hóa cung ứng thị trường trên 45.500 tấn/năm và được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm.

Đây là vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL. Hiện tại, giống lúa Tài Nguyên đã được ngành nông nghiệp Sóc Trăng phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL phục tráng. Qua 3 năm tiến hành phục tráng, Viện đã chuyển giao 45 dòng giống lúa Tài Nguyên cho huyện Thạnh Trị tiếp tục sản xuất để duy trì giống gốc và sản xuất giống các cấp tại địa phương.

Từ năm 2014, UBND huyện Thạnh Trị phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị” dùng cho sản phẩm gạo Tài Nguyên của huyện Thạnh Trị; khảo sát và quy hoạch vùng đất sản xuất, lưu giữ và bảo tồn giống gốc lúa Tài Nguyên và tiến hành đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”. Đến tháng 3/2017, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận nhãn hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”.

Theo ông Nguyễn Văn Sô - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Trị, lúa Tài Nguyên Thạnh Trị đã có từ lâu đời nhưng trải qua quá trình canh tác lâu năm dẫn đến giống bị thoái hóa và bị trộn lẫn với nhiều giống lúa khác, cùng với đó là việc người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách đã làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo Tài Nguyên của huyện. Chính vì thế, việc xây dựng nhãn hiệu gạo Tài Nguyên mang tên quê hương Thạnh Trị để giới thiệu đến người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và kỳ vọng xuất khẩu loại gạo “đặc biệt” này đi các nước trên thế giới.

Theo Chủ tịch huyện Thạnh Trị Mai Thanh Ngon, kế hoạch phát triển lúa đặc sản Tài Nguyên của Thạnh Trị đến năm 2020 sẽ là 6.500 - 7.000 ha, đảm bảo toàn bộ diện tích lúa Tài Nguyên sẽ ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, để giữ vững nhãn hiệu chứng nhận, đơn vị phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển diện tích lúa đặc sản và sản xuất đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, huyện còn ăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, vận động bà con nông dân ổn định sản xuất lúa chất lượng cao và theo hướng cánh đồng mẫu; trong đó chú trọng đến việc ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân

Cao Xuân Lương