Sản phẩm hàng hóa của Quảng Ngãi có chất lượng không thua kém các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thậm chí là vượt trội đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu, sản phẩm hàng hóa của Quảng Ngãi đa phần là “bị lép vế”. Sức cạnh tranh yếu, thị trường bấp bênh, khiến nhiều sản phẩm không tìm được đầu ra
Thiếu một lời cam kết
Hiện nay, nhiều sản phẩm của Quảng Ngãi muốn tham gia thị trường lớn trong nước hay xuất khẩu đều phải qua trung gian, khiến giá sản phẩm khi đến được tay người tiêu dùng tăng gấp nhiều lần so với giá “gốc”, giảm sức cạnh tranh rất lớn.
Các sản phẩm nông sản, hải sản của Quảng Ngãi được đánh giá là ngon nổi tiếng, nhưng khi tham gia thị trường hầu hết không mang thương hiệu nơi xuất xứ. Sản phẩm sau khi thu hoạch, đánh bắt được thương lái thu mua và đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khác, sau đó được các nhà máy này “gắn” cho thương hiệu nơi nhà máy đóng chân. Và nghiễm nhiên trở thành sản phẩm hàng hóa của một tỉnh, thành phố khác, nhất là hải sản. Ngoại trừ thị trường nội tỉnh, còn các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu hầu như sản phẩm của Quảng Ngãi đã không còn được người tiêu dùng nhận diện là “hàng Quảng Ngãi”, do đã được khoác lên mình một thương hiệu mới.
|
Nông dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) thu hoạch dưa hấu bán cho Siêu thị Big C. |
Trong tình hình thị trường tiêu dùng chưa được kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nhất là hàng nông sản. Thế nhưng, lời cam kết này không được chú trọng khi sản xuất hàng hóa. Người sản xuất chỉ biết làm ra sản phẩm, còn việc cam kết an toàn sử dụng lại thờ ơ xem như “không liên quan đến mình”.
Đơn cử như vụ dưa hấu vừa qua, khi Siêu thị Big C về đặt vấn đề “giải cứu” dưa với số lượng lớn cho nông dân, nhưng hàng vào siêu thị buộc phải có “xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” thì những người trồng dưa không có giấy tờ chứng minh được. Giải pháp tình thế là Big C phải làm việc với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lập giấy xác nhận “Dưa hấu được trồng tại đồng đất Tịnh Hiệp, Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”.
Lập “giấy bảo hành” cho hàng hóa
Năm 2017, theo kế hoạch, Sở Công thương sẽ tổ chức một số sự kiện xúc tiến thương mại quy mô, trong đó chú trọng hoạt động kết nối cung cầu cho hàng hóa Quảng Ngãi. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trần Phước Hiền – Giám đốc Sở Công thương thì: “Sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nông sản Quảng Ngãi chưa đăng ký thương hiệu. Đó là bất lợi rất lớn khi tham gia vào thị trường. Giải pháp trước mắt có thể sẽ phải thông qua một DN trung gian làm cầu nối, với vai trò đảm bảo về sản phẩm hàng hóa trước người tiêu dùng. Càng nhiều khâu trung gian, sức cạnh tranh sản phẩm càng yếu, lợi nhuận đến tay người sản xuất giảm rất lớn”.
Hiện tại, một số DN, cơ sở chế biến hàng mây tre đan của Quảng Ngãi phải mua và sử dụng nhãn mác của một số sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội để đưa ra thị trường tiêu thụ. Trao đổi về vấn đề đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, các DN đều cho rằng thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian chờ đợi, nên không muốn làm. Một số sản phẩm hiện đã mang thương hiệu tập thể như tỏi Lý Sơn, hiện đang bị lạm dụng khi sử dụng và có dấu hiệu cá nhân hóa thương hiệu nổi tiếng này. Nguyên nhân là do việc quản lý thương hiệu không chặt chẽ, tỏi không được sản xuất ở đảo Lý Sơn vẫn ngang nhiên gắn mác “tỏi Lý Sơn”…
Việc sản xuất sản phẩm đạt chất lượng phải luôn song hành với việc lập các thủ tục đăng ký chất lượng hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, hướng đến xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đạt chất lượng. Trước xu thế bất an của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, thì thương hiệu và công bố an toàn thực phẩm – tức là “giấy bảo hành” sản phẩm hàng hóa lại càng trở nên bức thiết, là vấn đề sống còn của sản phẩm trên thị trường. Vì thế bên cạnh bảo vệ mùa màng, bảo vệ sản xuất, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ nông dân, DN để sản phẩm hàng hóa Quảng Ngãi nhanh chóng có “giấy bảo hành” khi lưu thông trên thị trường