Bộ Y tế mới đây cho biết, mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng vi phạm giảm không đáng kể. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ và đề nghị sự vào cuộc tích cực của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Website của Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) tại địa chỉ vfa.gov.vn thường xuyên đăng tải thông tin cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng không mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật; quyết định xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy thế, các quảng cáo vi phạm vẫn liên tiếp được phát hiện và cập nhật hằng ngày trên website của Cục ATTP, thậm chí, có ngày có nhiều trường hợp vi phạm được công bố.
Tại hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu ý kiến: “Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe... gây bức xúc xã hội. Ngoài vi phạm của tổ chức, cá nhân có sản phẩm, còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý, nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. Nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân có sản phẩm, kể cả cơ quan phát hành quảng cáo sẵn sàng vi phạm. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, nhất là quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các nền tảng mạng xã hội; một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo, việc mở các tên miền, website, quy định về xử phạt bổ sung chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe”.
|
Quảng cáo sản phẩm dạ dày Mộc Vị Khang vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo tại địa chỉ: https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/moc-vi-khang-thang-long. |
Theo báo cáo của Cục ATTP, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh; giả danh các đài truyền hình, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh. Năm 2020, Cục ATTP xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở (với 54 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt là 2,265 tỷ đồng; năm 2021 là 28 cơ sở, với 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 1,544 tỷ đồng.
PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nêu một số khó khăn, bất cập: “Quá trình xử lý vi phạm, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm nên cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm và không thể xử lý. Với các trường hợp này, cục đã cảnh báo tại địa chỉ website vfa.gov.vn và thông báo để các báo đăng tin. Năm 2020 và 2021, website của cục đã đăng 246 bài cảnh báo. Tới đây, khi đề nghị sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực này cần quy định, doanh nghiệp nào đang vi phạm về quảng cáo thì tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố, quảng cáo mới...”.
Qua phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương nhằm xử lý và hạn chế tối đa các hành vi vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chân chính phát triển. Trong đó, đề nghị Bộ Công Thương tăng cường quản lý sàn giao dịch điện tử, bán hàng đa cấp; giám sát các buổi tuyên truyền, phát triển thành viên bán hàng đa cấp qua các hội thảo, hội nghị; có chế tài xử phạt sàn thương mại điện tử vi phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông, sở thông tin và truyền thông các địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được phép của cơ quan chức năng; có biện pháp mạnh với việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; rà soát, quản lý chặt hoạt động của các tên miền, tránh tình trạng xin cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm như là thuốc chữa bệnh... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 theo hướng cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, hành vi quảng cáo sản phẩm không được kiểm chứng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng thực tế, thổi phồng công dụng sản phẩm của một số nghệ sĩ có thể coi là tiếp tay, đồng phạm với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ khi “lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo” theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng có thể bị xử lý hình sự, liên đới trách nhiệm nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm hoặc đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi năm 2018) và Điều 197, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến việc giả danh các đài truyền hình, cơ quan nhà nước để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết thêm: “Đối với các trường hợp này, việc lợi dụng niềm tin, uy tín của một cơ quan nhà nước để quảng cáo sản phẩm kinh doanh nhằm thu hút khách hàng, tăng doanh thu, trục lợi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198, Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam bởi tình tiết có tổ chức. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, vận dụng tốt quy định của pháp luật trong xử lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo, không để “nhờn luật”.