0908.326.779 - 0906.362.707
 

Khai thác nhãn hiệu tập thể: Cơ hội phát triển làng nghề

11/03/2019    4.57/5 trong 7 lượt 
Khai thác nhãn hiệu tập thể: Cơ hội phát triển làng nghề
Việc xây dựng và khai thác nhãn hiệu tập thể luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc phát triển các làng nghề, chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng

Nhãn hiệu tập thể là gì?

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu được sử dụng trên sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức tập thể đã được ghi nhận là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể nhằm mục đích phân biệt với sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên của tổ chức tập thể đó

Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể phải là tổ chức tập thể, do vậy nó chỉ có thể được cấp cho tổ chức này và chỉ cá nhân, tổ chức nào là thành viên của tổ chức này mới được sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Nhãn hiệu tập thể có tính đại diện cho tập thể, do vậy nó phải được quản lý chặt chẽ thông qua Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhờ vậy mà sẽ giúp cho nhãn hiệu tập thể phát huy được vai trò to lớn của nó- đại diện cho sức mạnh của tập thể để cạnh tranh với những sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn và tài chính dồi dào.

khai thac nhan hieu tap the

Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể cũng tương tự như đối với nhãn hiệu thông thường, cụ thể chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể cũng có các quyền ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể, cho phép người khác (thành viên) sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu tập thể, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tập thể hoặc khởi kiện tại tòa án đối với hành vi này.

Khai thác nhãn hiệu tập thể là cơ hội phát triển làng nghề

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có trên 5.000 làng nghề. Khu vực này đang góp tỷ trọng lớn trong 1,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mỗi năm.

Những năm qua, các địa phương đã tạo nhiều cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề phát triển, qua đó tạo hạt nhân cho khu vực kinh tế này. Trong đó, sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu, định vị cho sản phẩm làng nghề là một trong những giải pháp tốt, được nhiều địa phương thực hiện. Thực tế, một số làng nghề đã xây dựng và khai thác được giá trị của thương hiệu trong quá trình phát triển, như: Làng nghề rượu Trương Xá (Hưng Yên); chạm bạc Đồng Xâm và cói Quỳnh Phụ (Thái Bình); tre trúc Xuân Lai (Hà Nội); sản xuất trứng vịt biển Đồng Rui (Quảng Ninh)…

khai thac nhan hieu tap the 1

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh của thương hiệu, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới.

 Nhãn hiệu sẽ trở thành hàng rào chắc chắn giúp chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các hộ dân làng nghề cần đổi mới tư duy, chủ động đề xuất xây dựng nhãn hiệu tập thể và có ý thức gắn lợi ích cá nhân với lợi ích chung để cùng phát triển trong quá trình khai thác, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể. Có như vậy, các làng nghề mới giữ vững được vị thế và khẳng định được tên tuổi trên thị trường.

Làm gì để khai thác nhãn hiệu tập thể hiệu quả?

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) Phan Ngân Sơn, Việt Nam là quốc gia có nhiều nghệ nhân, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được quốc tế đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, chúng ta lại yếu kém trong khâu xây dựng thương hiệu khiến các sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Số lượng các đơn vị sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa xứng đáng với làng nghề hiện nay. Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, cần được bảo hộ và ngày càng được xã hội thừa nhận về vấn đề quan trọng của nó”, ông Phan Ngân Sơn chỉ ra.

Vẫn biết, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho một sản phẩm là một chuỗi các công việc phức tạp bao gồm nhiều khâu. Vì vậy, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cần được thực hiện một cách thận trọng với lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, cần chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm đạt được sự đồng thuận và ủng hộ tuyệt đối của các chủ thể này.

khai thac nhan hieu tap the 2

 Ảnh: Kinhte.vn

Để phát huy thế mạnh nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, biện pháp trước mắt là cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thông qua các lớp đào tạo tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức tập thể, các tổ chức Hiệp hội, hợp tác xã, các cán bộ quản lý trong các cấp lãnh đạo ở địa phương có đăng ký nhãn hiệu tập thể nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Mặt khác, việc xây dựng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên kết hợp xây dựng các văn bản mang tính quy phạm pháp luật khác liên quan (quy trình cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình kiểm định sản phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu tập thể, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định đóng gói bao bì, gắn tem nhãn...). Ngoài ra, bộ máy tổ chức điều hành việc quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cũng cần được đầu tư ngay từ bước đầu như việc cử các cán bộ có năng lực, có hiểu biết về sở hữu trí tuệ tham gia và thường xuyên được tập huấn nâng cao. Như vậy thì các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh mới có thể phát huy được hết giá trị truyền thống của nó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong các giai đoạn tiếp theo.

Minh Hải