Để bảo vệ người tiêu dùng, một trong các thông tin doanh nghiệp phải minh bạch đó là nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã phải sống chung với tình trạng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thật giả lẫn lộn nhiều năm nay. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các hiệp định FTA, tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ Việt Nam gia tăng không chỉ còn là nỗi lo của riêng người tiêu dùng
Hàng ngoại giả “Made in Viet Nam” ngày một gia tăng
Từ nhiều năm nay, nắm bắt tâm lý người Việt tin dùng hàng Việt Nam, quay lưng với hàng ngoại kém chất lượng nhập từ Trung Quốc, không ít cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đến các đầu nậu lớn, thậm chí cả những công ty có thương hiệu uy tín đã thực hiện việc giả mạo nhãn mác xuất xứ, "phù phép" cho hàng ngoại thành "Made in Viet Nam" nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Vụ việc điển hình phải kể đến là thương hiệu Khaisilk nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác xuất xứ Việt Nam đã bị phanh phui cách đây 2 năm.
|
Người tiêu dùng chọn cách mua hàng thương hiệu uy tín để tránh hàng ngoại giả mạo xuất xứ Việt Nam |
Theo chia sẻ của chị N.T.K từng làm việc tại một cửa hàng thời trang tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, việc chủ hàng nhập hàng về từ Trung Quốc sau đó thuê người thay lại nhãn mác xuất xứ Việt Nam là chuyện rất bình thường. “Thay nhãn mác rất dễ dàng, chi phí mua mác và thuê thợ gia công rất rẻ nhưng lợi nhuận chủ hàng thu được rất lớn so với việc mua hàng Việt Nam để bán”, chị N.T.K cho hay.
Không chỉ tự ý chuyển đổi xuất xứ hàng hóa, ở cấp độ cao hơn, nhiều đầu nậu còn đặt doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp gắn nhãn mác Việt Nam ngay tại Trung Quốc, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ để hưởng lợi nhuận lớn. Một chủ doanh nghiệp Việt Nam đã tính toán đơn giản rằng nếu hàng hóa Việt Nam sản xuất là 20 đồng thì đặt từ Trung Quốc chỉ mất 10 đồng nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm theo cách này để hưởng lợi.
Mang lại lợi nhuận "khủng" nên tình trạng vi phạm nhãn mác xuất xứ hàng hóa xảy ra phổ biến và ngày một gia tăng. Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam có gắn mác "Made in Viet Nam". Các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, túi xách đến linh kiện điện tử, thiết bị xây dựng… thậm chí cả cái tăm cũng được phù phép thành “Made in Viet Nam”.
Gần đây nhất, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển hàng hóa ước tính khoảng 100 tấn gồm quần áo, xe đạp điện, phụ tùng xe máy, hàng điện gia dụng… từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Toàn bộ hàng hóa đều có xuất xứ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm lại gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thực tế, hàng Trung Quốc mang nhãn xuất xứ Việt Nam nhan nhản trên thị trường nhiều năm nay. Thậm chí không chỉ “đánh tráo” là xuất xứ Việt, nhiều mặt hàng còn “đội lốt” tên tuổi nhiều quốc gia khác, phổ biến như hàng nông sản với các mặt hàng táo, nho, lê… Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng muốn chọn hàng Việt Nam và “nói không” với hàng nhập khẩu kém chất lượng cũng khó
Để mua được hàng xuất xứ Việt Nam, người tiêu dùng đã chọn cách mua của các nhãn hiệu có uy tín. Tuy nhiên, nhiều vụ việc hàng Trung Quốc mang nhãn Việt Nam lại xảy ra cả với các thương hiệu lớn khiến người tiêu dùng vẫn lo ngại liệu các mặt hàng mang nhãn mác xuất xứ Việt Nam bán tại nơi uy tín đó có thực sự đúng là hàng Việt Nam hay không? “Chúng tôi không thể nào phân biệt được nhãn mác xuất xứ thật giả. Bởi vậy, chúng tôi chỉ mong làm sao cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được nhãn mác hàng hóa, đảm bảo xuất xứ được ghi trên nhãn mác là chính xác để chúng tôi yên tâm sử dụng”, bác Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Giả mạo xuất xứ hàng hóa gây tổn hại đến thương hiệu Việt
Đối với người tiêu dùng, chỉ đơn giản là cần sự đảm bảo chính xác nhãn mác nguồn gốc xuất xứ để không mua phải hàng giả. Nhưng đối với người quản lý đây là một vấn đề lớn cần được xử lý bởi làm giả nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa không chỉ đơn thuần là đánh lừa người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng thiệt hại và mất niềm tin vào hàng Việt mà còn là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi thuế.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra cảnh báo về tình trạng hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ “Made in Viet Nam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Theo đó, việc gian lận thương mại thông qua việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế ngày một gia tăng. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang và sắp đi vào thực thi, tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa không chỉ khiến việc người tiêu dùng mất tin tưởng vào hàng hóa Việt Nam mà còn gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu Việt.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp để giải quyết vấn đề này là các bộ, ngành chức năng cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, phải tăng cường đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, lưu ý đặc biệt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu, tránh tình trạng làm giả xuất xứ Việt Nam và tạo nên "hàng rào" pháp lý đủ mạnh làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Về phía các doanh nghiệp, phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm và kênh phân phối.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan các quy định về ghi nhãn mác hàng hóa, đồng thời sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Tài chính để tổ chức theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoặt động xuất khẩu sang một số thị trường để có biện pháp xử lý đối với hành vi gian lận thương mại.
Hi vọng với những giải pháp quyết liệt này, tình trạng đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sẽ được đẩy lùi. Người tiêu dùng Việt có thể yên tâm chọn lựa hàng hóa “Made in Viet Nam” và các doanh nghiệp Việt cũng như hàng hóa Việt Nam sẽ bảo vệ được uy tín và thị trường của mình