Trước đây,để gia nhập WTO, Việt Nam đã thông qua hiệp định TRIPS (Điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ), thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và phải thực thi các chuẩn mực về bảo hộ mà TRIPS đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu của CPTPP còn cao hơn TRIPS, chẳng hạn như mở rộng các đối tượng đăng ký bảo hộ quyền SHTT
Mức bảo hộ cao hơn tất cả những FTA Việt Nam từng tham gia
Những điều đáng lưu ý trong quy định về SHTT của CPTPP gồm:
Chế tài mạnh và chặt chẽ hơn trong thực thi quyền SHTT. Ví dụ như thực thi ngay lập tức ở biên giới hoặc trong các hoạt động xuất
nhập khẩu đối với hàng hóa giả mạo
nhãn hiệu hoặc sao chép lậu
quyền tác giả; cho phép các cơ quan thực thi được thực hiện chế tài xử phạt ngay lập tức mà không phải đợi chủ thể quyền yêu cầu. Đồng thời, việc bồi thường thiệt hại cũng được nâng lên, tính thêm cả chi phí hợp lý trong các vụ xử lý tranh chấp, việc xác định giá trị thiệt hại cũng phải đảm bảo quyền của bên nguyên đơn đặt ra. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa CPTPP với hầu hết Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác (phần lớn các FTA đều dựa vào mức trần của hiệp định TRIPS mà chúng ta đã đảm bảo).
Hành vi xâm phạm SHTT ở quy mô thương mại sẽ bị khép vào mức xử lý hình sự. Trước đây, mỗi quốc gia lại có cách diễn giải khác nhau về “quy mô thương mại”, nên đã từng nảy sinh những vụ kiện ở WTO về vấn đề này. Do vậy, CPTPP đã “xiết” tiêu chuẩn xác định quy mô thương mại. Cụ thể, những hoạt động xâm phạm quyền SHTT của người khác để thu lợi, không cần biết là ở mức nào, cố ý hay vô ý, cũng sẽ bị khép vào hành vi ở quy mô thương mại. Đây là điều mà doanh nghiệp và ngay cả người buôn bán nhỏ cần phải lưu ý, bởi có những trường hợp vô tình xâm phạm nhưng dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu cũng có thể bị quy kết.
Bảo hộ nhãn hiệu “không nhìn thấy được”: CPTPP quy định về mở rộng các đối tượng quyền SHTT. Cụ thể như nhãn hiệu, hiện nay Việt Nam chỉ bảo hộ dạng nhãn hiệu dưới dạng nhìn thấy được nhưng CPTPP yêu cầu bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh, và nếu như quốc gia nào có điều kiện thì hãy nỗ lực để
bảo hộ nhãn hiệu mùi.
Trước mắt, trong vòng 3 năm sau khi CPTPP có hiệu lực, chúng ta phải đảm bảo hệ thống cơ sở pháp lý, hạ tầng để có thể bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Tương tự, đối với sáng chế, trước kia luật Việt Nam quy định chỉ bảo hộ sáng chế ở dạng sản phẩm hoặc quy trình thì hiện nay CPTPP yêu cầu bảo hộ sáng chế ở dạng sử dụng. Về kiểu dáng công nghiệp, thì cũng sẽ xây dựng hệ thống pháp lý để bảo hộ kiểu dáng riêng từng phần.
Đối với bảo hộ dữ liệu, trước đây được quy định rất chặt chẽ trong TPP, bao gồm cả lĩnh vực sinh phẩm y tế, dược phẩm và nông hóa phẩm nhưng trong CPTPP thì quy định về bảo hộ dữ liệu với những thứ tác động vào sức khỏe con người đã được giảm, không thực thi nữa (vì Mỹ đã rút). Cho nên chúng ta chỉ bị ràng buộc về bảo vệ dữ liệu thử nghiệm, hay dữ liệu bí mật đối với nông, hóa phẩm, với thời hạn chuẩn bị để chuyển tiếp là 5 năm.
Những quy định về SHTT trong CPTPP đã tạo ra một công cụ mạnh để bảo vệ tài sản trí tuệ. Như vậy, những DN có ý thức đầu tư các nguồn lực để tạo ra tài sản trí tuệ sẽ được hưởng lợi từ việc bảo hộ ở mức cao trong các hoạt động thương mại, từ xuất nhập khẩu, buôn bán, kinh doanh cũng như chuyển giao quyền.
Đối với các doanh nghiệp chưa quen, chưa biết cách khai thác quyền SHTT thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép cần thiết để các DN Việt Nam tìm hiểu và phát triển, thay đổi cung cách làm ăn. Các DN Việt Nam sẽ không thể chỉ thuần túy tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh như thông thường. Họ sẽ phải phát triển các sản phẩm, nâng cấp các dịch vụ, vận dụng các kết quả của đổi mới sáng tạo, kết quả của ứng dụng khoa học công nghệ. Nếu DN tạo ra những công cụ mới, thì họ cần phải đăng ký quyền SHTT cho tất cả các đối tượng, từ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,…Ngược lại, nếu như họ tiến hành nhập khẩu công nghệ, họ khai thác công nghệ sẵn có ở nước ngoài vào Việt Nam, thì phải hết sức cân nhắc, tìm hiểu và kiểm tra các công nghệ đó có ẩn chứa quyền SHTT của người khác hay không. Ví dụ, nếu DN nhập khẩu một công nghệ, mà công nghệ đấy lại làm giả, hoặc là xâm phạm sáng chế của người khác đã được bảo hộ tại VN thì vô hình trung DN lại sử dụng công nghệ chứa yếu tố xâm phạm.
Sự chuẩn bị từ phía các cơ quan quản lý
Từ khi chuẩn bị tham gia vào Hiệp định CTTPP, Chính phủ đang điều chỉnh lại các hành lang pháp lý, các quy định để phù hợp với các cam kết. Chúng ta cũng có 5 năm “trì hoãn” để chuẩn bị trước khi tất cả các quy định có hiệu lực. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ khác để xây dựng luật, sửa đổi các luật có liên quan để thực hiện cam kết của CPTPP, theo lộ trình thì đến khoảng giữa năm 2019 sẽ được trình lên Quốc hội.
Về phía Cục SHTT, chúng tôi sẽ là cơ quan đầu mối để xây dựng, chủ trì đề xuất sửa đổi Luật SHTT và phối hợp cùng với các cơ quan liên quan của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ NN&PTNT,…
Nhưng đối với người dân và thậm chí cả các DN có nhiều kinh nghiệm, việc khai thác cơ sở dữ liệu về SHTT (với rất nhiều quy định khác nhau) giống như đi vào một khu rừng, rất dễ bị lạc. Do vậy, chúng tôi liên tục tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, cảnh báo các DN để họ hiểu rằng những quy định cũ không còn phù hợp nữa, bây giờ cần phải có những động thái tiếp theo. Cục SHTT cũng thường tổ chức các lớp học, công bố các tài liệu hướng dẫn, hoặc thông qua các buổi đào tạo, hội thảo để chỉ ra cho DN nơi hoặc cách thức, công cụ để có thể tự tra cứu, tìm kiếm.
Hiện nay toàn bộ thông tin về các cơ sở dữ liệu đối với các quyền SHTT đều có thể tìm kiếm trên internet. DN có thể truy cập vào website của Cục SHTT, trong đó bao gồm các cơ sở dữ liệu về đối tượng quyền SHTT được bảo hộ tại Việt Nam; hoặc trên cổng thông tin của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO); cổng thông tin điện tử của ASEAN,.