Từ ngày 1.7.2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng (TPCN) phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có hơn 10 doanh nghiệp sản xuất TPCN đạt GMP.
Theo quy định của Nghị định 15/2018/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm, từ ngày 1.7.2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sau ngày 1.7.2019, doanh nghiệp nào không đủ điều kiện về nhà xưởng nhưng vẫn muốn kinh doanh sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN có thể mang nguyên liệu đến những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GMP gia công sản phẩm.
Cũng theo TS Phong, nhiều doanh nghiệp sản xuất TPCN đã đạt GMP nhưng chưa được công nhận, vì đang làm thủ tục. Hiện có hàng trăm doanh nghiệp dạng này. Đến nay đã có trên 10 doanh nghiệp sản xuất TPCN được cấp GMP. Nếu có từ 100 - 200 doanh nghiệp sản xuất TPCN đạt GMP thì sản phẩm sản xuất ra cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, không lo thiếu TPCN mà chỉ lo thiếu TPCN tốt. Hơn nữa nếu doanh nghiệp không đạt GMP mà vẫn sản xuất thì không công bằng cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn này. Bởi nếu không quản lý chặt, cơ sở chỉ có thể sản xuất thực phẩm thông thường mà vẫn sản xuất TPCN thì sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Vì thế các doanh nghiệp phải rất khẩn trương thực hiện các biện pháp để nhà máy của mình đạt GMP.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng tiêu chuẩn GMP đối với sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe là tất yếu. Áp dụng tiêu chuẩn GMP đối với sản xuất TPCN không khác nhiều so với GMP trong sản xuất thuốc. Đó là các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhà xưởng, hệ thống lưu thông không khí, chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất ít nhất phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về hệ thống hồ sơ sổ sách; kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đạt yêu cầu về hệ thống kiểm nghiệm…
Cũng theo TS Phong, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập tổ hướng dẫn, tư vấn và trực tiếp thẩm định. Tổ này đã phối hợp với các hiệp hội và địa phương tập huấn cho doanh nghiệp để nếu đơn vị nào đủ điều kiện thì sớm hoàn thiện các thủ tục xin cấp GMP.
Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.
Thị trường TPCN Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường này đang bị thả nổi. Nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo “thổi phồng” về tính năng sản phẩm, trong khi quản lý khá lỏng lẻo