Ngành công nghiệp thực phẩm chức năng (TPCN) ở nước ta phát triển nhanh trong những năm gần đây nhưng cũng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các vi phạm, chất lượng
Tại hội nghị khoa học về TPCN vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, là một nước nhiệt đới với nhiều nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, đa dạng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực TPCN, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, còn tình trạng vi phạm trong sản xuất kinh doanh TPCN về quảng cáo, hay sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký
công bố sản phẩm, ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật, sản xuất ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm
ATTP… “Chúng ta sớm chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm TPCN an toàn, hướng tới xây dựng ngành TPCN bền vững và phát triển”, ông Trương Quốc Cường khẳng định.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, hiện nhu cầu sử dụng TPCN ở nước ta vẫn tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành TPCN bị biến tướng. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, mất niềm tin với người tiêu dùng.
Theo ông Đáng, để “quản” được chất lượng TPCN phải quản lý từ trang trại đến bàn ăn, nghĩa là không cho họ hình thành âm mưu và nguy cơ để làm sai. “Ví dụ bây giờ tôi có nguyên liệu chất lượng cao và cho vào cái khuôn thật nghiêm chỉnh, chắc chắn tôi sẽ có sản phẩm tốt. Còn nếu anh cho nguyên liệu linh tinh vào một cái khuôn vớ vẩn thì nó sẽ ra một sản phẩm méo mó, chất lượng tùm lum ngoài thị trường, và chúng ta cứ đi kiểm tra muôn đời không bao giờ hết”, ông Đáng nếu ý kiến. Ngoài ra, phải kiểm soát điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là yếu rất quan trọng để đảm bảo
chất lượng sản phẩm
Áp chuẩn GMP để đảm bảo quyền lợi người dùng
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, từ năm 2010, TPCN chính thức được quản lý bởi Luật ATTP và NĐ số 38/2012/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật ATTP, dưới đó là các TT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… đối với
thực phẩm chức năng. Và gần đây nhất là NĐ số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, đặc biệt trong đó có quy định: Kể từ ngày 1.7.2019, các cơ sở
sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP), các cơ sở sản xuất TPCN ở nước ta nếu không đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất) sẽ không được tiếp tục sản xuất.
Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, trong số hơn 3.000 cơ sở sản xuất TPCN ở nước ta hiện nay, dự kiến đến 1.7.2019 sẽ chỉ còn khoảng 300 - 400 cơ sở đủ tiêu chuẩn đạt GMP. “Chúng ta không lo thiếu TPCN mà chỉ lo thiếu TPCN không đạt chất lượng, do đó GMP sẽ là giải pháp cơ bản cho quản lý chất lượng”. Ông Phong cho rằng, nếu không nghiêm khắc, hành động quyết liệt thì doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định, có sản phẩm tốt cũng bị đánh đồng với doanh nghiệp vi phạm, làm ăn gian dối. Nếu để tồn tại như vậy không bình đẳng trong sản xuất TPCN và không đảm bảo về quyền lợi người tiêu dùng
Ông Phong đánh giá, tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp chưa được cấp chứng nhận GMP, nhưng qua khảo sát thực tế thì nhiều các doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn, đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Việc áp dụng tiêu chuẩn này nhằm quản lý tốt hơn, và các doanh nghiệp sẽ sản xuất được những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
"Trong nước hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Khi các nhà sản xuất buộc phải đạt các tiêu chuẩn GMP thì chúng tôi ước tính, số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ vào khoảng trên dưới 300. Sau ngày 1.7.2019 cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được sản xuất".
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong