0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chợ truyền thống chuyển đổi cách thức tiếp cận khách hàng

20/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Chợ truyền thống chuyển đổi cách thức tiếp cận khách hàng
Tiểu thương chợ truyền thống không chỉ bán hàng tại chỗ mà còn đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Đây là bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ truyền thống nhằm giữ chân khách, tăng sức mua.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (30 tuổi, quê Nha Trang) dù mới lần đầu đến TP Hồ Chí Minh du lịch nhưng lại rất rành rẽ hàng hóa ở chợ Bến Thành bởi trước đó đã trò chuyện với tiểu thương qua mạng xã hội. "Tôi đã nói chuyện trực tuyến với tiểu thương chợ, họ đã giới thiệu các mặt hàng hiện có, giá cả, giới thiệu quầy hàng. Nhờ vậy, tôi có thể mua sắm ở chợ nhanh gọn, không lo bị hét giá, tráo hàng. Chúng tôi còn xin số điện thoại, facebook của nhau để khi cần, họ sẽ chuyển sản phẩm ra tận nơi. Tiền sẽ chuyển khoản qua ngân hàng. Tôi rất ấn tượng vì toàn bộ chợ phủ sóng wifi, tiểu thương rành công nghệ cho nên kết nối rất thuận lợi”.

Theo tìm hiểu, đa số tiểu thương ở chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh ít nhất từng một lần dùng mạng xã hội như facebook, zalo, viber… để quảng bá sản phẩm của mình. Chị Võ Thị Thiện, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 11), chia sẻ: “Tôi chỉ mới tập tành thử dùng mạng xã hội để bán hàng nhưng kết quả rất khả quan. Khách hàng khen chê đều để lại lời nhắn, tất cả công khai như thế cho nên sẽ không có chuyện bán hàng kém chất lượng. Tôi thấy cách bán hàng này rất hay, nếu ngành hàng nào cũng áp dụng thì hiệu quả kinh doanh sẽ tăng lên rõ rệt”. Được biết, hiện nay gần 5.000 tiểu thương kinh doanh quần áo chợ Tân Bình (quận Tân Bình) đều đã lập trang web bán hàng trực tuyến (online). Nhiều tiểu thương tại đây cho hay, thông qua in-tơ-nét, khách hàng mua sỉ ở Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Cam-pu-chia, một số nước ở châu Phi đặt hàng qua mạng, thanh toán qua ngân hàng. Theo tiểu thương các chợ, mua bán online tiện và nhanh. Đây là xu hướng tiêu dùng mới mà ai cũng phải áp dụng, nếu không sẽ bị đào thải trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay. Có thể thấy thời gian qua, hàng loạt trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… đã khiến việc mua sắm trực tuyến không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Một kết quả nghiên cứu ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội mới đây cho thấy, 45% đến 50% số người cho rằng họ thường xuyên mua sắm trực tuyến.

Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) Vũ Kim Hạnh cho hay, kết quả khảo sát HVNCLC năm 2017, mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. Một năm sau, số người tiêu dùng chọn mua online tăng gấp ba lần (2,7%). Theo đó, có 23% số người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm. Tương tự, trang điện tử của các công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%), trong khi đó, sức mua ở chợ truyền thống lại đang giảm. Nếu năm 2016, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ truyền thống là 31%, thì năm 2017 giảm còn 11% và hiện nay còn 10%. Riêng với tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm từ 17% trong năm 2017 giảm xuống còn 9% trong năm 2018. “Người tiêu dùng chọn phương thức mua bán online vì tiện lợi. Ngoài ra, hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng là kênh được nhiều doanh nghiệp chọn để tiếp cận thông tin về nhu cầu của thị trường và tạo đầu ra cho hàng hóa” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt hơn 35% và sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Rõ ràng, sự bùng nổ của mua sắm online ngày càng làm giảm sức mua của các kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nhãn hàng tên tuổi lớn cũng đang thực hiện chiến lược đóng bớt cửa hàng thực tế, tăng cường kinh doanh trực tuyến. Ở Việt Nam, tình trạng chợ và các cửa hàng phải đóng cửa vì sự cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử chưa có báo cáo cụ thể, nhưng sự cạnh tranh đang thể hiện rất rõ tại ngành bán lẻ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ khi hoạt động thương mại điện tử xuất hiện, hệ thống chợ truyền thống mất dần vị thế trong phân phối hàng hóa. Cá biệt, có chợ truyền thống bị đuối sức trong cạnh tranh với siêu thị, thương mại điện tử cho nên người kinh doanh chủ động đóng sạp.

Điều đáng ghi nhận là hiện nay, tiểu thương đã quen dần với việc ký hợp đồng dài hạn với nhà sản xuất để có nguồn hàng chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm trước người mua về hàng hóa cả bán trực tiếp và online. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang nhận định: Muốn hoạt động buôn bán tại các chợ truyền thống ổn định, phát triển thì giới tiểu thương buộc phải tự làm mới từ khâu tổ chức kinh doanh đến những cam kết về chất lượng, giá bán, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh bán hàng online

HOÀNG MAI