0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thêm mối lo an toàn thực phẩm

05/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Thêm mối lo an toàn thực phẩm
Từ tháng 7-2016, Luật Thú y có hiệu lực, quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh. Sau một thời gian Luật đi vào cuộc sống, việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản kinh doanh, vận chuyển động vật.
Hiện nay, tình trạng chăn nuôi, giết mổ nhỏ, lẻ chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 70% nên việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, giết mổ. Ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín cho hay: Toàn huyện có 490 điểm giết mổ, hiện lực lượng thú y mới chỉ kiểm soát được 7 cơ sở tập trung, còn 483 cơ sở nhỏ, lẻ do chính quyền địa phương quản lý và hầu hết không đạt vệ sinh an toàn thú y. Như vậy, việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh đồng nghĩa với buông lỏng quản lý cả hai khâu quan trọng là kiểm soát lưu thông và kiểm soát giết mổ.

Ông Hoàng Văn Chiểu ở thôn An Cảnh (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) chia sẻ: “Từ khi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung, đủ điều kiện vệ sinh thú y càng khó khăn. Trước đây, do yêu cầu từ phía khách hàng cần phải truy xuất nguồn gốc nên nhiều hộ bắt buộc phải vào cơ sở giết mổ tập trung, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép; nay bỏ kiểm dịch nội tỉnh, nhiều hộ trở lại cách làm truyền thống: Tự mua gia súc, gia cầm về giết mổ tại nhà để giảm chi phí. Trong khi các cơ sở giết mổ tập trung phải chịu nhiều chi phí: Vệ sinh thú y, đầu tư cơ sở vật chất, kho bảo quản lạnh, xử lý nước thải… thì các hộ giết mổ nhỏ lẻ không phải chịu bất kỳ một loại chi phí nào nên loại hình giết mổ này "trăm hoa đua nở", phần nào lấn át cơ sở tập trung”. 

Đồng quan điểm, đại diện Trạm Thú y huyện Sóc Sơn bức xúc: “Do bỏ kiểm dịch nội tỉnh, sản phẩm vào các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện không yêu cầu dấu kiểm dịch của lực lượng thú y nên việc quản lý tận gốc vệ sinh an toàn thực phẩm đang tạo ra nhiều "kẽ hở" cho các cơ sở hoạt động bất hợp pháp đối phó với cơ quan chức năng”... 

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận: “Việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh khiến cho lượng lớn sản phẩm động vật có nguy cơ chưa được kiểm dịch bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh trong khi ý thức chấp hành các quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao. Thậm chí có hiện tượng buôn bán gian lận với thủ đoạn ngày càng tinh vi nên sản phẩm động vật giết mổ trái phép rất khó kiểm soát nguồn gốc”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để khắc phục những bất cập trong công tác kiểm dịch, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật nhỏ lẻ; cương quyết xử phạt các cơ sở nhỏ lẻ vi phạm quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, cần sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo mô hình chuỗi liên kết sản phẩm; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đăng ký mã vùng, mã vạch để truy xuất nguồn gốc; lực lượng thú y cần nâng cao năng lực hoạt động, phát huy vai trò của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố và Đội kiểm dịch lưu động để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào thành phố…
Sơn Tùng