06/06/2018
4.6/5 trong 5 lượt Hiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát hiệu quả; ý thức của một bộ phận nông dân còn thấp, vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép... Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT, trong tháng 5-2018, Sở đã tổ chức 2 lớp tập huấn đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy định mới cho cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành Nông nghiệp tại cấp quận, huyện với 200 lượt người tham dự; Tổ chức 37 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, giết mổ động vật cho 2.310 chủ cơ sở và người sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; Tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn thực phẩm an toàn cho 300 người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Sở cũng chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản mới, kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, lựa chọn thực phẩm an toàn; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị viết tin, bài về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh... trên website của Sở NN&PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội...
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với đài truyền thanh các huyện, thị xã phát 110 bài tuyên truyền về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm an toàn; phát hành 1.000 quyển bản tin quản lý chất lượng đưa thông tin về văn bản quản lý, kỹ thuật, công nghệ, kết nối, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp; cập nhật và công khai các cơ sở xếp loại A, B, C trên website của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội.
Ngoài ra, nhiều địa phương còn tổ chức các tiểu phẩm ngắn với nội dung về an toàn thực phẩm... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, thời gian qua, huyện đã tổ chức những tiểu phẩm ngắn với nội dung tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày như một thông điệp gửi tới toàn thể nhân dân không nên sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép, bảo đảm thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa vào sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Diễn đàn này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến thị trường không có thực phẩm "bẩn".
Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện nay vấn đề quản lý an toàn thực phẩm đang phức tạp; ý thức của người sản xuất, kinh doanh còn thấp; cán bộ làm công tác chuyên môn ở cơ sở thường xuyên bị thay đổi và hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Những hoạt động trên nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, kiến thức, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, thông qua các lớp tập huấn về kiến thức an toàn, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước sẽ từng bước nâng cao trình độ cho cán bộ ở cấp, xã, phường, thị trấn... Ngọc Quỳnh