TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, nguyên tắc quản lý rủi ro sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp càng tuân thủ tốt quy định thì càng có lợi và cơ quan nhà nước với nguồn lực hạn chế sẽ tăng hiệu quản lý nhà nước.
Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về Môi trường kinh doanh, trong đó nội dung trọng tâm là việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (được đưa vào Nghị quyết từ năm 2015) nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới.
Bên lề một cuộc họp báo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đã tập trung vào việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ông đánh giá như thế nào về quá trình cải cách quy định và thủ tục hành chính trong lĩnh vực này?
Lĩnh vực kiểm tra nhà nước chuyên ngành về xuất nhập khẩu là một trong những trọng tâm của Nghị quyết 19, bởi lĩnh vực này trong suốt thời gian qua đã gây ra cho doanh nghiệp nhiều rào cản, làm tăng chi phí về thời gian, tiền bạc, công sức... và tạo ra những vấn đề không tiên liệu trước được đối với doanh nghiệp.
Chính vì thế, Nghị quyết 19 đã tập trung vào cải cách thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu hàng hóa, lấy đó làm trọng tâm. Trong 4 năm vừa qua, đặc biệt là năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã có một số kết quả đạt được.
Đầu tiên, Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là điển hình cho việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển sang quản lý theo nguyên tắc rủi ro, có thể nói đây là trường hợp điển hình.
Sau khi triển khai thực hiện được vài tháng, những khảo sát sơ bộ cho thấy doanh nghiệp đã giảm đáng kể về chi phí, giảm khoảng 90% thủ tục khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhờ đó, việc thông quan nhanh hơn và một số cảng có nhiều hàng hóa về thực phẩm đã được giảm tải, không bị tắc nghẽn nữa. Đây là công việc đạt được đáng kể nhất.
Còn lại, ở một số Bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã bỏ chứng nhận formaldehyd, khai báo hóa chất... là những thay đổi căn bản.
Trước đây, doanh nghiệp phải tiến hành khai báo hóa chất sau đó cơ quan nhà nước phải ra thông báo với nội dung doanh nghiệp đã khai báo, giống như một loại giấy phép, sau đó mới được thông quan hàng hóa. Nhưng hiện nay, khai báo đã thực sự là khai báo. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo lên cơ quan nhà nước, sau đó nếu cơ quan nhà nước không có phản hồi gì thì coi như là đã được chấp nhận và cứ thế thực hiện thông quan.
Một ví dụ khác là dán nhãn năng lượng cũng có thay đổi nhất định để làm giảm thủ tục, giảm chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nhờ có Nghị quyết 19 nên cũng giảm được lượng hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan. Trước đây, 30-35% số hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn gần 15-20%, một mức giảm đáng kể.
Ông vừa đề cập đến cơ chế quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Ông có thể phân tích rõ hơn cơ chế này?
Quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, nghĩa là nhà nước chỉ tập trung quản lý vào hàng hóa mà ở đó có nguy cơ cao phát sinh rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, môi trường. Đồng thời, tập trung vào những doanh nghiệp có nguy cơ cao, nghĩa là những doanh nghiệp có lịch sử không tuân thủ quy định của pháp luật. Còn những doanh nghiệp tuân thủ tốt, những doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng thì giảm kiểm tra, thậm chí chỉ theo dõi mà không cần can thiệp kiểm tra.
Nếu như quản lý như vậy thì rõ ràng chỉ cần tập trung kiểm tra nhà nước ở 5-10% số hàng hóa, hoặc số doanh nghiệp, còn 90% thậm chí 99% chúng ta không cần kiểm tra. Cách thức này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp càng tuân thủ tốt thì càng có lợi và cơ quan nhà nước với nguồn lực hạn chế sẽ tăng hiệu quản lý nhà nước.
Việc thực hiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc quản lý rủi ro hiện nay ra sao, thưa ông?
Cho đến nay, nhận thức về quản lý nhà nước về rủi ro dựa trên các ngành khác nhau, các cơ quan khác nhau vẫn chưa được mạnh. Tôi cho rằng có nhiều người hiểu sai, hiểu chưa đúng.
Ngay cả khi chúng ta nói rằng, quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm thì mới quản lý rủi ro nhưng không phải, ngay cả khi tiền kiểm cũng có thể quản lý rủi ro được.
Chúng ta chuyển sang hậu kiểm có nghĩa là hoàn toàn quản lý rủi ro, lúc đấy công tác này mới thực sự có tác dụng. Còn mới chỉ thay đổi điểm kiểm tra trước và sau thì vẫn chưa thay đổi căn bản cách thức quản lý, quản lý rủi ro chỉ tập trung vào những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao.
Toàn thế giới hiện nay đang thực hiện như thế thì chúng ta không có lý do gì không thực hiện, tôi cho rằng cần phải đi đến thống nhất một nhận thức. Tôi tin rằng nhiều nơi đã hiểu vấn đề này, nhưng họ cho rằng nếu thay đổi thì nhiều người mất quyền lợi nên họ không muốn thay đổi, và cố tình giải thích khác đi, chứ không phải là họ không hiểu.
Theo ông, để quá trình thực hiện Nghị quyết 19 thực sự có hiệu quả hơn, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì?
Bên cạnh việc đẩy mạnh quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và chuyển sang quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro mà tôi vừa đề cập đến còn phải hiện đại hóa.
Muốn hiện đại hóa thì phải thực hiện Chính phủ điện tử, cao hơn nữa là phải số hóa. Điện tử cũng có nghĩa là hoàn toàn phải trực tuyến, chỉ bằng giấy tờ điện tử, không cần phải tiếp xúc trực tiếp, mọi việc đều xử lý trên hệ thống và không cần sự can thiệp của con người. Nếu có một điểm gì đó mà hệ thống trục trặc, phải dừng lại thì lúc đó con người mới can thiệp, chứ không phải con người dừng lại để can thiệp hệ thống.
Sau đó, mọi chi phí phải được thanh toán trực tuyến. Cũng phải kết nối được tất cả các bộ ngành có liên quan, kết nối được doanh nghiệp với cơ quan quản lý, kết nối các cảng biển với cơ quan nhà nước và kết nối được cơ quan thẩm định, kiểm nghiệm với cơ quan nhà nước. Phải kết nối được hết như thế để chúng ta có một dữ liệu dùng chung thì đó mới là hiện đại.
Nếu chỉ làm như hiện nay, từng bộ, từng vụ, từng cục làm một hệ thống riêng thì cũng giống như đi đường, hết một đoạn đường lại xuống xe đi bộ sang một chỗ khác để lên một chiếc xe khác để đi thì không phải là kết nối. Kết nối hiện đại thì phải đồng bộ như vậy.
Tuy nhiên muốn làm được thì cần phải có sự kết hợp rất lớn, rất chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Không những phải có sự phối hợp chặt chẽ mà còn phải có sự chỉ đạo từ trên xuống một cách thống nhất. Nếu không có chỉ đạo thống nhất thì sẽ không ai làm mà người ta chỉ biết lo ngại mọi thứ, không ai tự cắt việc của mình.
Hiện nay, chúng ta đã thực hiện hiện đại hóa, nhưng mới chỉ ở một vài chỗ mà tôi cho là mang tính chất chưa được hệ thống, cả chiều ngang và chiều dọc. Trong các nguyên tắc định hướng đặt ra thì mới thực hiện được ở mức tương đối tốt, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, còn lại rất nhiều việc mà chúng ta vẫn chưa làm được.
Xin cảm ơn ông!