Thời gian qua, việc xây dựng và triển khai các mô hình về an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được ngành y tế Hà Nội chú trọng và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả những mô hình này, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên là cơ quan quản lý, hộ kinh doanh và người tiêu dùng.
Nhiều chuyển biến tích cực
Mô hình “Quản lý, kiểm soát ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tuyến phố” đã được phố Trung Liệt, quận Đống Đa và phố Núi Trúc, quận Ba Đình thực hiện thí điểm đầu tiên. Sau thời gian thực hiện, qua kết quả kiểm tra ATTP đã cho thấy những chuyển biến tích cực.
Tỷ lệ đạt tiêu chí ATTP là 83,8% và tại phố Núi Trúc, tỷ lệ đạt tiêu chí ATTP là 84%. Qua kiểm tra định kỳ hàng quý, những cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ đã khắc phục sai phạm; đồng thời nhận thức của các chủ cửa hàng kinh doanh về vấn đề bảo đảm ATTP từ khâu nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, vệ sinh cửa hàng, nhà bếp đã có tiến bộ rõ rệt.
Không dừng lại tại đó, một mô hình mới nhưng được thành phố vào cuộc quyết liệt, tăng cường khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát là mô hình “ATTP bữa cỗ tập trung đông người”. Đối với mô hình này, Hà Nội thực hiện thí điểm tại 4 quận, huyện bao gồm huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai và quận Long Biên.
Mô hình nhằm nâng cao nhận thức cũng như gắn trách nhiệm của cộng đồng đối với vấn đề ATTP, yêu cầu các hộ gia đình khi tổ chức bữa ăn đông người phải ký cam kết bảo đảm ATTP.
Mặt khác, Hà Nội cũng đã thành lập 30 tổ giám sát thực hiện giám sát 1.189 bữa cỗ, với 242 bữa cỗ đám cưới, 206 bữa cỗ đám ma, 229 bữa cỗ đám giỗ và 260 các bữa cỗ khác. 100% hộ gia đình tổ chức bữa cỗ trên địa bàn 4 quận, huyện này đều phải ký cam kết ATTP. Qua kiểm tra, tỷ lệ hộ gia đình đều đạt tiêu chí ATTP đạt trên 85%.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu cho biết, từ thành công của các mô hình ATTP đã được triển khai trong thời gian qua, trong năm 2018 thành phố dự kiến sẽ nhân rộng các mô hình này tại nhiều huyện trên địa bàn.
Bà Thu nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện các mô hình ATTP và chung tay vì chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo nhanh về nguy cơ mất ATTP và nhân rộng trên toàn thành phố trong năm 2018. Đề án thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường sẽ được duy trì nhằm siết chặt quản lý ATTP trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên là cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm