Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển “thần tốc" với nhiều mặt hàng, chủng loại đa dạng. TPCN nào đạt tiêu chuẩn, TPCN nào không đảm bảo đang khiến người tiêu dùng hoang mang
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xung quanh các vấn đề này.
- Thưa ông, thời gian gần đây, nhiều quảng cáo TPCN có nội dung giúp đàn ông “đánh thức tuổi xuân”, “phong độ đỉnh” là thổi phồng chức năng của TPCN. Đó có phải nội dung Cục An toàn thực phẩm đã duyệt cho các TPCN trên?
TS Nguyễn Thanh Phong: Mỗi năm, có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN, nhưng có tới 90% phải chỉnh sửa vì nội dung không đúng như tác dụng của sản phẩm. Tất cả những quảng cáo về TPCN đã được Cục An toàn thực phẩm thẩm định nội dung đều đảm bảo chính xác về công dụng sản phẩm. Các quảng cáo thổi phồng sự thật là do một số nhà in, nhà xuất bản đã in và phát tán các quảng cáo không đúng qui định, khi không có thẩm định của cơ quan y tế. Vì thế, các quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh đều là không đúng, vì TPCN không phải thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều website mua bán, quảng cáo TPCN gây bức xúc cho dư luận xã hội, khi không có cơ sở khoa học, không đúng với chất lượng sản phẩm, đặc biệt là không đúng thuần phong mỹ tục, nhưng rất khó kiểm soát. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Bộ TTTT đề nghị xử lý các trang mạng vi phạm này.
- Nhiều người coi TPCN như một thứ thuốc kỳ diệu, có thể chữa được bách bệnh với cách sử dụng rất đơn giản, song cũng có một số người cho rằng, TPCN là lừa đảo và hoàn toàn tẩy chay sản phẩm này. Vậy quan điểm của Cục ATTP về vấn đề này thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Phong: Theo Luật An toàn thực phẩm định nghĩa, TPCN là những sản phẩm hỗ trợ chức năng bộ phận cơ thể con người, có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoặc khoáng vật. TPCN có tác dụng làm tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh. Đối với phản ứng của dư luận về TPCN có 2 luồng ý kiến trái chiều trên, Cục An toàn thực phẩm nhận định, hiểu theo cách nào cũng chưa đúng. TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế cho thuốc điều trị nhưng rõ ràng có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả). Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50 - 60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưa chuộng.
- Trước các sai phạm trên, Cục An toàn thực phẩm đã có các biện pháp gì, thưa ông?
TS Nguyễn Thanh Phong: Cục An toàn thực phẩm đã xử lý nhiều đơn vị vi phạm. Chỉ riêng trong thời gian (17.11 - 2.12), Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 129.827.950 đồng. Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định. Đơn cử, Công ty Cổ phần Quốc tế Lotuzz quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo dược Toppy trên các website: https://tritieuduongtuyp2.net và https://lotuzz.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Sai phạm được phát hiện nhiều nhất đối với thực phẩm chức năng là quảng cáo “thổi phồng” công dụng, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định nội dung. Thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thực phẩm chức năng. Các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xin cảm ơn ông!