0908.326.779 - 0906.362.707
 

Liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

02/12/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm còn nhiều lẫn lộn, khiến không ít người tiêu dùng phải e dè, cẩn trọng khi chọn lựa, thì việc hình thành các tổ chức liên kết sản xuất an toàn là tín hiệu đáng mừng. Minh bạch thực phẩm được xem là thước đo độ tin cậy của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn gian dối, sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi”…

Loay hoay giữa những dãy hàng rau đầy ắp trong siêu thị, chị Thanh Hoa (nhân viên văn phòng ở quận 3) lựa chọn những bó rau có đầy đủ mã vạch, tem chứng nhận VietGAP, Organic... Chị Thanh Hoa chia sẻ: “Vào siêu thị mua hàng tôi yên tâm, nhưng vẫn phải tự tay kiểm tra rau đó trồng ở đâu, phun thuốc gì, thời gian cách ly ra sao... Chỉ cần tra mã vạch bằng điện thoại thông minh, vài giây sau, mọi thông tin đều hiển thị rõ ràng”.

Nhiều năm quan tâm đến ngành thực phẩm trong nước, Giám đốc điều hành chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica Phạm Phương Thảo nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ rất lớn. Từ đó, chị Thảo bắt tay thực hiện mong muốn của mình là đưa sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng. Sản phẩm Organica được sản xuất theo phương pháp sinh học, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, giống biến đổi gen..., cho nên sản phẩm đắt gấp nhiều lần nông sản bình thường. Do đó, để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, Organica phải sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Theo đó, thực phẩm có mã (code), khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có được đầy đủ thông tin.

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp đang hướng đến sản xuất “thuận theo tự nhiên”. Điển hình là nông dân trẻ Võ Văn Tiếng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), đã táo bạo tìm cách sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu hay bất kỳ loại phân bón hóa học nào với mong muốn sản xuất ra lúa sạch hoàn toàn. Không ít người cho rằng, ý tưởng của Tiếng gần như không thể thực hiện, nhưng chàng trai lứa 9X này vẫn quyết tâm làm theo phương pháp hữu cơ và đã thành công bước đầu. Ngoài ra, còn có kỹ sư Bùi Thái Sơn (36 tuổi), với trang trại 30 ha trồng nhiều loại trái và rau quả ở huyện Bình Long (Bình Phước); chị Nguyễn Thị Lê Na trồng cam Vinh ở phía bắc theo xu hướng hữu cơ, không hóa chất...

Mới đây, 58 doanh nghiệp, cá nhân bao gồm chủ các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, cung ứng nguyên liệu, dịch vụ... đã cam kết sản xuất thực phẩm sạch trong đại hội thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT) tại TP Hồ Chí Minh. Tất cả các thành viên của AFT đã thể hiện rõ quyết tâm sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, minh bạch thông tin.

AFT được Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập vào cuối tháng 7 vừa qua. Hoạt động chính của Hiệp hội bao gồm liên kết các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy cải tạo nền sản xuất thực phẩm minh mạch. Các doanh nghiệp tham gia AFT đều phải có các chứng nhận liên quan đến chất lượng sản phẩm như: HACCP, GlobalGap, VietGAP, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm…

Giám đốc Công ty Rồng Xanh Nguyễn Thị Bích Thảo, nhà cung cấp vòng niêm phong cho dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có 5 triệu chiếc vòng được bán ra sau một năm triển khai. Công ty vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với Unisto (Thụy Sĩ) để thành lập liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất dụng cụ niêm phong nhằm đón đầu nhu cầu truy xuất nguồn gốc thịt. “Chúng tôi đang rất lạc quan về nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tại Việt Nam, nhất là thị trường thịt heo sạch. Quyết định hợp tác đầu tư cũng nhằm đón đầu tiềm năng đó. Hiện, chúng tôi đang tìm kiếm địa điểm để xây nhà máy tại TP Hồ Chí Minh”, bà Bích Thảo cho biết thêm.

Theo kế hoạch hoạt động trong hai năm tới, AFT sẽ thực hiện kiểm tra và chứng nhận đạt chuẩn “hướng hữu cơ” và “thuận tự nhiên”. Đây là hai tiêu chuẩn riêng của AFT ứng dụng cho những đơn vị canh tác nhỏ, đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về sản xuất sạch nhưng không đủ quy mô và khả năng để tiếp cận các chuẩn quốc tế.

Phó Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thị Kim Cúc nhận xét, thực phẩm có mất an toàn hay không thì cần phải có những số liệu cụ thể để chứng minh. Nhưng đúng là người tiêu dùng đang mất lòng tin. Với sự ra đời của AFT cùng các tiêu chí, cũng như cam kết của hội viên, hy vọng trong thời gian tới AFT sẽ cùng các cơ quan nhà nước liên quan lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT cho rằng, tình trạng thực phẩm chưa an toàn hiện nay vẫn còn “đất sống” cũng có phần không nhỏ từ người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng ý thức hơn, không ham giá rẻ hay sự tiện lợi khi mua sắm thì sẽ không vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn tồn tại. Sự kiên quyết của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng nhất để thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thiếu đạo đức

PHƯƠNG VY