0908.326.779 - 0906.362.707
 

Giấy phép con chèn ép DN thực phẩm

05/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Giấy phép con chèn ép DN thực phẩm
“Dùng i-ốt sẽ làm biến mùi, biến vị nước mắm truyền thống. Hơn nữa, trong nước cốt cá đã có i-ốt rồi, sao phải dùng i-ốt?”- đây là thắc mắc của Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP HCM, bà Lý Kim Chi tại buổi tọa đàm “Giấy phép con cần bỏ trong kinh doanh thực phẩm”

Những quy định gây “choáng” cho DN

Thừa nhận rằng chương trình quốc gia bổ sung i-ốt để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra là rất quan trọng. Tuy thế, bà Chi, người gắn bó với ngành lương thực, thực phẩm nhiều năm nay lại thấy nó bất cập trong nhiều khâu chế biến lương thực, thực phẩm.

Không chỉ đối với nước mắm, bà Chi còn kể: có những sản phẩm rau, quả, hạt khi sấy khô phải dùng muối. Nhưng nếu dùng muối có chứa i-ốt thì không phù hợp, không đảm bảo được mùi, vị, màu sắc của sản phẩm.
Nhưng, quy định vẫn là quy định - bà Chi nói thẳng dù trong tọa đàm có sự hiện diện của Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Cũng chính vì quy định này mà nhiều DN lấn cấn khi công bố sản phẩm. “Cơ quan chức năng bảo: không sử dụng i-ốt thì lấy gì mà chứng nhận. Có nơi còn bảo: nếu muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì phải có i-ốt. DN không thể gian dối khi không dùng i-ốt mà lại nói có dùng” - Bà Chi phát biểu và cho biết thêm: vấn đề này đã được kiến nghị từ tháng 2/2017 mà đến nay chưa được sửa, chưa có hồi âm. “Các DN kẹt lắm. Đấy là sự trì trệ”, bà Chi khẳng định.

Nhưng chưa hết, bà Phạm Thị Huân - Giám đốc công ty TNHH Ba Huân, một DN chuyên sản xuất các sản phẩm thịt gà còn cho hay: DN của bà muốn làm thêm sản phẩm gà đông lạnh nhưng rất khó khăn. Bà Huân giải thích: trước đây sản phẩm gà của công ty đã đạt đủ tiêu chuẩn. Giờ nếu thêm chữ “lạnh” nữa thì gần như cũng phải làm lại từ đầu. Mà thủ tục thì rắc rối.

“Gà nuôi chỉ 40 ngày là được một lứa, nhưng giấy phép lại mất tới 30 ngày. Chờ giấy phép xong thì gà quá lứa” - bà Huân cho hay.

Trên đây chỉ là một trong những bất cập trong các quy định về công bố hợp quy, công bố phù hợp an toàn thực phẩm mà một số DN nêu ra tại tòa đàm.

Nhưng, điều đặc biệt là các DN cũng như các chuyên gia đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng như nhiều ban ngành khác của TP.HCM đều đồng thuận: quy định là cần thiết, quan trọng là cách thức thực hiện.

Hay theo quy định của ngành Y tế, khi đưa sản phẩm thực phẩm ra thị trường, doanh nghiệp phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trong khi các doanh nghiệp cho rằng đây thực chất là “giấy phép con”, gây tốn kém thời gian, chi phí thì Bộ Y tế cho rằng trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, quy định này là cần thiết.

Đến cơ quan quản lý cũng... bất ngờ

Bởi cũng như đại diện Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga nói: bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả cơ quan quản lý nhà nước và DN. Nhưng dù vậy, bà Nga cũng rất bất ngờ với nhiều phản ánh của DN về việc thực hiện các quy định liên quan tới an toàn thực phẩm. Chẳng hạn quy định về muối i-ốt, vốn đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo theo tinh thần nghị quyết 103/2017 của Chính phủ. Hay việc bà Huân phản ánh những rắc rối xung quanh sản phẩm gà đông lạnh.

Quy định về an toàn thực phẩm không phải là không có những rắc rối, bất cập. Nhưng rõ ràng sự cần thiết của nó là có thể chấp nhận được. Chỉ có điều, như bà Nga thừa nhận: “Có nhiều trường hợp chuyên viên, cán bộ nhũng nhiễu DN và Cục khi phát hiện đã xử lý nghiêm”.

Nhưng có lẽ, những trường hợp mà Cục phát hiện không nhiều. Điều ấy cũng bởi tâm lý e ngại của các DN. Họ chỉ dám đề nghị rằng: “Thôi thì lãnh đạo động viên cán bộ mỗi khi nhận hồ sơ thì dành ra 5 phút xem ngay xem hồ sơ của DN thiếu gì để bổ sung. Đó là cái tâm thức, cái tác phong của cán bộ đối với DN”.

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI tại TP HCM cho rằng có lẽ vì không ràng buộc gì với việc kinh doanh nên nói thẳng: “Cán bộ, chuyên viên có khi lương tháng 10 triệu, nhưng thu nhập ngoài thì lên tới 40-50 triệu. Các quy định vô lý đã gây ra tình trạng tham nhũng vặt này”.

Mạnh mẽ hơn, đại diện Viện kinh tế và quản lý TP.HCM nói: một chiếc bánh sô-cô-la thậm chí 16 giấy phép cũng được, nhưng quan trọng nhất là phải minh bạch, thông thoáng. Bởi theo vị đại diện này, không phải cứ có nhiều quy định là xấu và cứ ít quy định là tốt. Tuy vậy, cách quản lý tốt nhất không phải là ban hành nhiều quy định, bởi vô hình trung, các quy định sẽ vi phạm nguyên tắc công bằng trong quản lý và kinh doanh.

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện lời kêu than của một start-up trong ngành thực phẩm khi cho hay: họ phải chấp nhận chi phí ngoài mỗi hồ sơ công bố phù hợp an toàn thực phẩm mất 50 triệu đồng. Lời than vãn ấy có lẽ chính là những tiếng nói ít ỏi cất lên khi họ quyết định… ngừng kinh doanh sản phẩm.
Bởi thế, để các quy định trên trời với được xuống nhân gian, có lẽ những chế tài sẽ không đủ

Chân Luận