Theo đánh giá, tiềm năng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng trong thời gian qua, việc sản xuất những mặt hàng này vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên khó đưa sản phẩm vào siêu thị.
Sản phẩm phải bảo đảm các quy định
Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất hàng nông sản với các sản phẩm rau, củ, quả, nấm các loại, bưởi, cam... Tuy vậy, điều đáng nói là mặt hàng nông sản của địa phương lại chiếm tỷ lệ rất ít tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Anh Trần Văn Trường (ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát), cho biết hiện gia đình anh trồng gần 3 ha rau ăn lá các loại theo quy chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, đầu ra cho mặt hàng này không ổn định, sản phẩm được công nhận an toàn nhưng anh chủ yếu bán tại các chợ.
Một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định, có thể làm gia tăng giá trị cho nông dân là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... Tuy vậy, việc đưa hàng hóa nông sản vào kênh tiêu thụ này đang gặp nhiều khó khăn, bởi nông dân chủ yếu vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán...
Theo bà Vũ Thanh Trúc, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương 2, nhằm bảo đảm uy tín, việc lựa chọn sản phẩm đầu vào được các siêu thị thực hiện rất chặt chẽ. Ngoài yếu tố chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, siêu thị còn đòi hỏi các cơ sở, hợp tác xã, hộ nông dân phải thực hiện đạt tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác sản phẩm... Co.opmart Bình Dương thường xuyên tìm kiếm nguồn sản phẩm địa phương đưa vào hệ thống siêu thị, tuy nhiên những sản phẩm siêu thị chọn mua phải xuất trình đầy đủ giấy tờ của các cơ quan chức năng. Để hàng nông sản vào được siêu thị, hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt và phải có đủ các loại giấy chứng nhận bảo đảm điều kiện vệ sinh, chất lượng.
Cần tạo sự liên kết lâu dài
Ghi nhận cho thấy, để người nông dân đưa được hàng, đặc biệt mặt hàng nông sản ở địa phương vào siêu thị, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Một trong những giải pháp quan trọng là ngành chức năng cần có kế hoạch dài hạn, quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm nông sản để người dân an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cần tạo sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, cung ứng kênh phân phối để giúp nông dân, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động được đầu ra. Từ đó siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp có nguồn hàng chất lượng cao, còn cơ quan chức năng dễ quản lý và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Ông Trương Thanh Nhàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, cho biết trong những năm qua sở đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối giữa cơ sở sản xuất và nhà cung cấp nhằm đưa mặt hàng nông sản địa phương vào siêu thị trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện những chương trình này hiệu quả chưa cao, vì sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi chưa có sự quyết tâm cao và cam kết trách nhiệm giữa các bên tham gia. Sở sẵn sàng hỗ trợ để các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nông dân ở địa phương tham gia cung ứng sản phẩm cho siêu thị, nhưng bản thân các đơn vị này phải thực hiện các quy định về quy trình và công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn hàng hóa...
Các nhà chuyên môn cho rằng, để ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận an toàn thực phẩm. Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay...
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian qua sở luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị. Thực hiện chỉ đạo này, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho sở quản lý chất lượng sản phẩm nông sản; hàng năm xây dựng kinh phí thực hiện lấy mẫu nông sản từ đồng ruộng của các tổ chức, cá nhân đem phân tích định tính và định lượng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có vượt mức cho phép hay không, trên cơ sở đó nhằm thông báo nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã tham mưu quản lý và lấy mẫu nông sản tại các sạp chợ, siêu thị… để phân tích định tính và định lượng…