0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bán trái cây trong nhà, cần giải pháp thiết thực!

11/08/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Bán trái cây trong nhà, cần giải pháp thiết thực!
KHPTO-TP. Hà Nội đang ráo riết triển khai Đề án: “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành”, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017
Theo đó ,các địa điểm kinh doanh trái cây được đưa vào trong nhà với trang thiết bị, nhân lực...cần thiết và sẽ không còn cảnh bày bán ở vỉa hè, bán rong. Sự thay đổi môi trường kinh doanh trái cây mới được nhiều người hoan nghênh nhưng cũng có người cho rằng đây là chuyện không nhỏ chút nào, cần những giải pháp thiết thực

Kinh doanh cố định và "chợ chạy"

Việc ra quân kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của Hà Nội đã được diễn ra với việc thống kê cơ sở (điểm) kinh doanh “cố định” trên địa bàn các quận nội thành. Sở công thương Hà Nội cho biết, kết quả sơ bộ điều tra 12 quận nội thành có 375 tổ chức và cá nhân đang hoạt động kinh doanh trái cây; trong đó có 10 công ty bán sỷ (2,1%), 464 điểm cửa hàng, quầy hàng “cố định” (97,9%) bán lẻ trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư. Cơ sở vật chất đảm bảo cho kinh doanh trái cây tươi của nhóm cố định còn thiếu hụt, tạm bợ, mang màu sắc buôn bán nhỏ, lạc hậu, với 30% cửa hàng có tủ mát chỉ để bảo quản một số loại trái cây quý, còn các trái cây thông thường bày trên kệ, 50% cửa hàng bày trái cây lên giá, kệ; số địa điểm bán trái cây kết hợp nhà ở bày trái cây trên hộp xốp, sàng, mẹt, đặt trên băng, ghế, mặt sàn. Sau mỗi ngày bán hàng, số trái cây còn lại được để lại trong hộp, thùng, thúng, xịa, che bằng bạt, sáng lại bày ra bán.

Hà Nội bốn mùa thời tiết biến đổi, vào mùa nắng, nóng nhiệt độ ngoài trời lên đến trên dưới 40 độ C, trái cây rấy dễ bị hư thối. Phần lớn nhân sự làm việc trong lĩnh vực thương mại trái cây làm bằng kinh nghiệm, mối quan hệ quen biết. Kết quả điều tra thăm dò còn cho thấy người phụ trách đơn vị, chủ cơ sở, người bán trái cây, phần lớn là người chuyển sang từ việc khác. Ngay với chủ cửa hàng, người trực tiếp bán trái cây cũng hiếm người có bằng cấp về cây trồng, kiến thức thực hành bảo quản trái cây, đảm bảo an toàn thực phẩm  trong quá trình kinh doanh. Ngoài các cửa hàng, hộ kinh doanh trái cây cố định còn có một đội ngũ bán trái cây “chợ chạy” ước gấp hai ba lần nhóm kinh doanh cố định. Đó là hàng ngàn người buôn bán trái cây dưới lòng đường, bán trái cây rong trên xe máy, xe đạp, gánh gồng hoặc “đổ” từng đống trái cây trên vỉa hè, lề đường, khu đất công với đơn giản là một vài cây dù hay tấm vải che nắng mưa sơ sài. Tham gia bán hàng chợ chạy bao gồm nhiều thành phần như: thương nhân lấy hàng giá sỉ từ chợ đầu mối, gánh hàng bán trong từng ngõ phố, hết lại lấy bán tiếp; thương nhân chở nguyên xe hàng giá rẻ từ tỉnh xa về Hà Nội bán; thương nhân và nhà nông các địa phương vùng ven đem bán sản phẩm tự sản xuất và thu gom của các hộ xung quanh. Tham gia lực lượng bán trái cây chợ chạy Hà Nội còn có khá đông công nhân “làm thêm” ngoài giờ, nhất là vào chiều tối.

Khó quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm

Khối lượng trái cây tiêu thụ tại địa bàn TP Hà Nội rất lớn. Theo khảo lượng sơ bộ của Đề án, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ đến 1.733 tấn trái cây, quy ra 1 tháng là 52.000 tấn. Trong khi sản lượng trái cây Hà Nội sản xuất được 9.360 tấn/tháng. Giả thiết toàn bộ trái cây Hà Nội tự sản xuất được phục vụ thị trường Thủ Đô thì mới chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu. Sản lượng trái cây nhập khẩu từ nước ngoài vào Hà Nội 7.800 tấn/tháng tương đương 15% nhu cầu. Như vậy 34.840 tấn trái cây/tháng (67% nhu cầu) Hà Nội tiếp nhận từ miền Nam và từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Hà Nội có chợ đầu mối trái cây Long Biên ở phía Bắc và chợ  nông sản đầu mối Đền Lừ ở phía Nam thành phố. Hà Nội là nơi giao thoa các con đường sắt, đường bộ xuyên Việt, đường đến các tỉnh thuộc Tây bắc, Việt Bắc, châu thổ sông Hồng; đường đến các cửa khẩu Việt Trung, đường đến bến cảng, sân bay nên có hàng chục bến, trạm dừng xe xuống hàng. Trái cây Trung Quốc và các nước từ cửa khẩu nhập vào Hà Nội chỉ sau 2 giờ xe tải. Trái cây từ các tỉnh trong cả nước gửi hàng đến Hà Nội nguyên xe hay gửi ké xe hàng hóa khác, gửi xe đò, xe buýt. Nhà vườn, thương nhân các địa phương vùng ven còn chở trái cây tự sản xuất đến Hà Nội bán trực tiếp bằng xe thô sơ. Trái cây hàng hóa đến Hà nội đóng gói bằng mọi vật dụng có thể, từ thùng ghép gỗ thanh, hộp cactol chính quy và tận dụng, thùng xốp, cần xé, sọt. Thị trường trái cây Hà Nội có mua bán từ trái cây “vua” đến trái cây thông thường của  nhà vườn , kể cả trái cây  hoang dã ăn được khai thác trên rừng. Bên cạnh một số ít mặt hàng có nhãn mác đúng quy chuẩn, nhiều mặt hàng không hề có dấu tích quản lý chất lượng.

Quản lý thị trường qua điểm bán hàng

Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội” thông qua điểm bán hàng, trong đó xác định, quy định rõ mục đích, nội dung, lĩnh vực quản lý. Bà Trần Thị Phương Lan, phó giám đốc Sở công thương Hà Nội cho biết: mục tiêu quan trọng của đề án là tăng cường quản lý hệ thống kinh doanh trái cây nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mỹ quan, văn minh, trật tự đô thị, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng thời đây cũng là giải pháp ổn định kinh tế - xã hội. Theo bà Lan trong thời gian dài thị trường Hà Nội không “làm khó”, thậm chí quá “dễ dãi” trong mua bán trái cây. Hệ quả là người bán tràn lan ra hè, đường phố, bao vây khu công nghiệp, xe hàng rong, gánh hàng rong, xuất hiện khắp nơi, len vào từng ngõ, ngách phố, không thể kiểm soát chất lượng hàng hóa, gián tiếp làm “chết” sạp trái cây cố định. Người bán nào cũng rao rảng bán “trái cây sạch”, “trái cây vườn” mà không có bằng chứng nào về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cũng tự chuyển sang cách tùy tiện, “thỏa hiệp” với người bán, khiến hình ảnh mua bán trái cây ở Thủ Đô trở nên xấu xí. Thị trường tự phát, tự điều chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với cơ quan nhà nước. Tình trạng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị mà gây tắc nghẽn, thậm chí mất an toàn giao thông.  

Lộ trình quản lý của Đề án đã được triển khai gồm: từ nay đến cuối năm (2017), rà soát, cấp bổ sung đăng ký kinh doanh cho 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành. Các cửa hàng phải trưng biển hiệu, có trang thiết bị, phương tiện bảo quản, lưu giữ được trái cây tươi, đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Về nhân sự, 100% người kinh doanh trái cây được khám sức khỏe (tránh bệnh lây nhiễm vào hàng hóa), được đào tạo, tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong năm 2018, thực hiện kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, các điều kiện về đảm bảo về vệ sinh, an toàn thực phẩm toàn bộ trái cây lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Sẽ tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong kinh doanh, vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là sử dụng các chất độc hại, chất cấm...để sản xuất, bảo quản trái cây. Cùng trong năm 2018 xóa hoàn toàn các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, chợ cóc chợ tạm và tụ điểm bán trái cây vỉa hè và gánh hàng rong.

Giải pháp thiết thực

Đồng thời với việc nâng cao trách nhiệm, nhận thức pháp luật trong kinh doanh trái cây của thương nhân, đề  án cũng nhận thấy cần nâng cao trách nhiệm và kỹ năng thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức làm công tác thị trường. Cụ thể: các cửa hàng chỉ được phép kinh doanh trái cây trong nhà, không bày bán trên vỉa hè và dưới lòng đường. Về địa điểm (cửa hàng) kinh doanh trái cây phải bố trí tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố, khu tập trung xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện; không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng vệ sinh, an toàn thực phẩm từ các khu ô nhiễm, bụi, hóa chất độc hại; không được bày bán trái cây gần các loại hóa chất, gia súc, gia cầm, thủy sản sống và thịt xẻ (các nguồn lây nhiễm chéo). Khu vực kinh doanh trái cây, khu vực bảo quản, sơ chế... phải tách biệt với khu vệ sinh. Có dụng cụ vận chuyển, thiết bị bảo quản trái cây đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm nhằm duy trì chất lượng trái cây. Có dụng cụ thu gom rác thải, chất thải có nắp đậy ở khu vực riêng biệt và gửi xe rác đi tiêu hủy hàng ngày.

Nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trái cây cho người tiêu dùng, Sở công thương đưa ra một số tiêu chí cơ bản. Cụ thể: trái cây phải nguyên vẹn, không dập nát hoặc bị hư hỏng; bề mặt không thâm, thối, không ủng, không mốc... đảm bảo mùi vị đặc trưng, không có mùi vị lạ. Phải đảm bảo các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố đối với từng loại trái cây theo quy định của pháp luật hiện hành. Trái cây kinh doanh trong cửa hàng phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Đối với trái cây đã sơ chế, đóng gói phải đảm bảo rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói, đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đối với trái cây tươi mua vào, cửa hàng phải lập dữ liệu thông tin mỗi lô hàng về tên, địa chỉ, mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; thời gian, địa điểm giao nhận; tên/chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện lô hàng; hóa đơn hoặc giấy tờ chứng minh việc mua trái cây. Nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGap, Globalgap phải có Giấy chứng nhận còn hiệu lực. Với lô hàng trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ, Giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. Hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của các cửa hàng phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc trái cây khi cần.  

Chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây phải đảm bảo có sức khỏe, không có bệnh truyền nhiễm; phải nắm được các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với trái cây. Người trực tiếp kinh doanh trái cây cần có kiến thức nhất định về ngành hàng như phân biệt được tên/chủng loại trái cây mua bán, nắm được điều kiện bảo quản đối với từng loại trái cây để bố trí sắp xếp khu vực kho, tủ bày bán, quầy kệ; nhận diện được sản phẩm hư hỏng (dập nát, thối, mùi vị lạ, nấm mốc…) để loại bỏ.

Sở công thương đang tiếp tục hoàn chỉnh đề xuất về cửa hàng mẫu về cơ sở vật chất và trang thiết bị có quầy, kệ trưng bày, thiết bị cân đo, tủ mát, tủ lạnh, điều hòa... phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đáp ứng tiêu chuẩn; từng bước tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - thành phố Hà Nội nghiên cứu đề xuất về việc hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trái cây có nhu cầu tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư trang thiết bị đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định

Minh Tuấn