0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chất lượng an toàn thực phẩm ở chợ nông thôn: Không thể buông lỏng!

24/08/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Chất lượng an toàn thực phẩm ở chợ nông thôn: Không thể buông lỏng!
Tại các chợ ở nông thôn, nông sản, thực phẩm bày bán chưa được quan tâm kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, lực lượng chức năng cần nâng cao trách nhiệm, siết chặt hơn nữa công tác an toàn thực phẩm ở chợ nông thôn
Mua - bán bằng... niềm tin

Theo quan sát tại chợ quê ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), các mặt hàng bày bán được sắp xếp khá thuận tiện cho người mua, nhưng cơ sở hạ tầng hạn chế, xuống cấp, tạm bợ, lối đi chật chội, nước thải ứ đọng, bốc mùi… Đáng nói là các quầy thực phẩm tươi sống xen kẽ với quầy đồ ăn chín, do vậy có nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Phương tiện chở sản phẩm thịt lợn, thịt bò, gia cầm… vào chợ bán mà không qua kiểm tra của lực lượng chức năng.

Trả lời chúng tôi về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, bà Nguyễn Thị Anh, một hộ dân buôn bán thịt lợn tại chợ cho biết, hàng được mua ở trong dân và mang vào chợ bán cho khách quen, chất lượng được đánh giá bằng cảm quan hoặc “tin nhau là chính”. Khi hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, bà Anh ngỡ ngàng: “Cả chợ có hơn chục hàng thịt lợn, từ nhiều năm nay, cả người bán và người mua đều không quan tâm đến mấy cái giấy đó, chỉ cần không xảy ra ngộ độc là được (!?)”…

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Dương Nguyễn Văn Thanh cho biết, theo tập quán, chợ chỉ hoạt động theo phiên vào những ngày lẻ trong tháng, phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Các hộ kinh doanh tại chợ chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ nên hầu hết chưa được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và hoàn toàn xa lạ với khái niệm “truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”... Thành viên Ban quản lý chợ cũng là người của thôn, không có chuyên môn sâu, chỉ thực hiện việc thu tiền vé, trông giữ phương tiện…

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cũng thừa nhận: Huyện và xã mới dừng lại ở kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa hàng ăn uống, bếp ăn tập thể tại thị trấn, trung tâm xã; những vấn đề phức tạp hơn như kiểm tra chất lượng nông sản, giám sát tiêu chuẩn đồ ăn chín trong chợ nông thôn vẫn bỏ ngỏ. Trong khi đó, lực lượng cán bộ xã vừa mỏng, vừa không có chuyên môn, thiếu thiết bị kiểm tra, giám sát thực phẩm nên rất khó trong xử lý vi phạm.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

Để khắc phục tồn tại này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng: Trước hết, cần gắn trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương nơi có chợ đang hoạt động như phải quan tâm sâu sát hơn, bảo đảm đủ các điều kiện về con người, trang thiết bị kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông.

Cụ thể, các địa phương cần mở lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho thành viên Ban quản lý chợ và hộ kinh doanh. Từ đó, sẽ có cách quản lý, sắp xếp, kiểm soát khoa học, an toàn; hộ kinh doanh khi được nâng cao nhận thức sẽ buôn bán đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Mặt khác, trên cơ sở quy định của pháp luật, các địa phương thiết lập chế tài xử phạt nghiêm minh khi xảy ra vi phạm; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn và tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh kém chất lượng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định: Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động, đặc biệt ở chợ nông thôn, nên các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm tại phân khúc lưu thông này. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về tác hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua các kênh truyền thông (đài truyền thanh, báo chí, tuyên truyền viên…) để nâng cao nhận thức trong kinh doanh và tiêu dùng…

Về chiến lược lâu dài, theo ông Nguyễn Huy Đăng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy trình khép kín, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản. Qua đó, từng bước đẩy lùi thói quen sử dụng thực phẩm theo cảm tính, kinh nghiệm và niềm tin mơ hồ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; đồng thời, hướng người dân hình thành nếp tiêu dùng an toàn, văn minh theo căn cứ khoa học nhằm nâng cao chất lượng đời sống và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng...
 
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện thành phố có 454 chợ nông thôn, trong đó có 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Về cơ sở hạ tầng, có 102 chợ kiên cố, 224 chợ bán kiên cố và 128 chợ lán tạm. Đa số các chợ hoạt động lâu năm (từ 10 năm trở lên), cơ sở hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...
Ngọc Quỳnh