0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vẫn chồng chéo và bị động

14/09/2020    4.6/5 trong 5 lượt 
Vẫn chồng chéo và bị động
Đến thời điểm này, con số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi độc tố có trong pate Minh Chay đã là khá cao. Vụ việc nghiêm trọng này đã gióng một hồi chuông báo động gay gắt về những lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), đòi hỏi cần sớm có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để bảo vệ sức khỏe người dân
Nguy cơ tăng, tiềm ẩn
 
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám sau khi ăn pate Minh Chay nhiều ngày. Điều đáng lo ngại, như TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ở Việt Nam chưa có thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum do ngộ độc này rất hiếm. Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị người bị ngộ độc độc tố này. “Đây là độc tố thần kinh thường có trong đồ ăn được đóng trong gói, hộp, túi, lọ kín với điều kiện không bảo đảm độ pH và độ mặn. Bệnh lý này ít khi xảy ra nhưng đã xảy ra thì thường bệnh cảnh rất nặng, cần phải có thuốc đặc hiệu”, Tiến sĩ Nguyên nói.
 
Theo thông tin cập nhật, sau thời điểm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp thu hồi sản phẩm pate Minh Chay trên cả nước do nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, vẫn có thêm các trường hợp sử dụng sản phẩm này do không nhận được thông tin và sản phẩm cũng chưa được các địa phương thu hồi hết. Ngày 8-9, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế đã ký ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum. Theo đó, những sản phẩm như thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt) là loại thực phẩm có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,… được sản xuất không bảo đảm và đóng gói kín (thí dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản không đúng cách dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc. Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và tại các nhà hàng.
 
Bộ Y tế cho biết, có xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không bảo đảm, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn.
 
Loay hoay tìm mô hình quản lý hiệu quả
 
Trao đổi với phóng viên ngày 8-9, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Công ty Hai thành viên Lối sống mới - nơi sản xuất pate Minh Chay gây ngộ độc, được thành lập trong năm 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1-2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho công ty này. Nhưng vì lý do dịch Covid-19 doanh nghiệp này không hoạt động cho đến tháng 7-2020. “Từ ngày 1-7-2020 cho đến khi phát hiện vụ việc, công ty này đưa ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chay trên thị trường với phương thức bán hàng online, chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối”, ông Hùng thông tin.
 
Về xử lý vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành ATTP đã “bị động” và vào cuộc khá chậm trễ. Bởi Công ty Hai thành viên Lối sống mới là cơ sở có cung cấp sản phẩm ở nhiều tỉnh, thành phố, số lượng thực phẩm bán ra không phải là ít, nhưng dường như đã có sự lỏng lẻo trong quản lý và hậu kiểm. Một trong các nguyên nhân của việc chậm trễ xử lý được lý giải, với một sản phẩm như pate Minh Chay đang có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý ATTP, bao gồm Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế. Và một khi sản phẩm “có vấn đề”, sẽ có ba bộ cùng tham gia xử lý nên mất nhiều thời gian. Theo quy định hiện hành, phần lớn thực phẩm lưu hành đang được nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nếu có sai phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra và xử lý khi hậu kiểm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh rất lớn, tỷ lệ được hậu kiểm không đáng là bao so với tổng số cơ sở. Đặc biệt càng khó quản lý với các cơ sở chế biến bằng phương pháp truyền thống, quy mô hộ gia đình hoặc các công ty nhỏ lẻ không có công nghệ để kiểm nghiệm từng lô, loạt sản phẩm, không bảo đảm độ đồng đều về chất lượng.
 
Hiện nay, được biết cả nước chỉ có ba tỉnh, thành phố là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh thí điểm quản lý tập trung thông qua ban quản lý ATTP. Việc quản lý tập trung này trên thực tế tại các địa phương mang lại hiệu quả thanh, kiểm tra cao. Trước thực tế lực lượng chuyên ngành nhiều địa phương còn yếu và thiếu thì việc tập hợp lực lượng lại sẽ dễ quản lý hơn.   
 
Mặt khác, hiện nay thông tin công khai về thực phẩm vi phạm chất lượng (cụ thể sản phẩm nào, lô nào, nhà sản xuất nào, vi phạm gì...), ngoại trừ website của Cục An toàn thực phẩm thì rất ít cơ quan khác có thông tin, dù có thêm hai bộ tham gia quản lý lĩnh vực này là Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT. Điều này dẫn đến có những trường hợp sai phạm về chất lượng thực phẩm, người dân muốn nắm rõ cũng không biết tìm đọc ở đâu và thường chỉ biết thông tin khi có người sử dụng thực phẩm đã ngộ độc và phải nhập viện do báo chí đăng tải. Chính vì vậy, cần thiết sớm có thêm nhiều phương tiện xem/đọc, công bố các vi phạm về thực phẩm, những đợt hậu kiểm về chất lượng thực phẩm từ cơ quan chức năng cung cấp giúp người dân dễ tiếp cận thông tin để phòng ngừa.
MẠNH TRƯỜNG