0908.326.779 - 0906.362.707
 

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ truyền thống

24/08/2020    4.6/5 trong 5 lượt 
TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ truyền thống
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có hệ thống chợ truyền thống lâu đời và quy mô nhất cả nước nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là điều lo ngại thường trực của người tiêu dùng

Thực phẩm ở chợ chưa an toàn vệ sinh

Một trong những tiêu chí hình thành và phát triển hệ thống thương mại văn minh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn. Gần đây, nhiều đợt kiểm tra và thực thi an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống đã được thực hiện, tuy tình hình có chuyển biến nhưng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ chợ vẫn tiềm ẩn ở mức cao.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hệ thống thương mại buôn bán sỉ lẻ hàng hóa cho người tiêu dùng ở thành phố hiện có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi và 240 chợ truyền thống. Trong đó, chợ truyền thống loại một có 17 chợ, loại hai 53 chợ, loại ba 170 chợ và 96% chợ truyền thống hiện nay có kinh doanh thực phẩm.

Hàng năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân thành phố bình quân khoảng 200.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 132.000 tấn thủy sản, hơn 1 triệu tấn rau củ quả các loại. Lượng thực phẩm này đáp ứng khoảng 50 - 70% nhu cầu của của người dân.

Các loại thực phẩm đưa về thành phố mỗi ngày trừ sản phẩm động vật, rất nhiều loại thực phẩm hiện chưa được sơ chế tại nguồn, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ gốc còn sơ sài, thậm chi là bỏ ngỏ. Chưa hết, hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đa số đều là chợ xây dựng đã lâu năm, hạ tầng bị xuống, nhất là khu vực kinh doanh thực phẩm, đây là nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cao.

tp ho chi minh tang cuong giam sat an toan ve sinh thuc pham tai cho truyen thong
Tiểu thương bán thịt heo ở chợ Võ Thành Trang, phường 14, quân Tân Bình luôn quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm để thu hút thêm khách hàng

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh, hiện tại chỉ có khoảng trên 10% chợ chợ truyền thống trên địa bàn thành phố có các thủ tục pháp lý về môi trường và có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, số còn lại hiện vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp đúng chuẩn một ngôi chợ truyền thống văn minh, hiện đại. Không chỉ vậy, mỗi ngày hệ thống chợ truyền thống ở thành phố còn thải ra số lượng lớn rác thải. Chỉ tính riêng 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn, mỗi ngày có khoảng trên dưới 250 tấn rác thải, số rác này đều được thu gom nhưng nước thải từ rác, mùi hôi, ruồi nhặng thì chưa xử lý được.

Thực tế cho thấy, nhiều khu chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay không gian ẩm thấp, mất vệ sinh do hạ tầng xuống cấp, chưa được sửa chữa là tác nhân ảnh hướng lớn đến an toàn vệ sinh thực phẩm kinh doanh tại chợ. Tuy vậy có những khu chợ truyền thống cũng đã làm tốt công tác giữ gìn vệ sinh xung quanh và tăng cường kiểm soát khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường làm sạch chợ truyền thống

Chợ Võ Thành Trang, phường 14, quận Tân Bình phục vụ khá đông người dân đến mua sắm nhưng không gian nơi kinh doanh luôn được ban quản lý chợ, tiêu thương làm sạch và tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hoàng Thanh Chắp - đại diện Ban quản lý chợ Võ Thành Trang - cho biết, thông thường khi có các văn bản mới của chính quyền, cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm, ban quản lý chợ đều phát loa thông báo kỹ, lực lượng kiểm tra đến tận sạp nhắc nhở tiểu thương giữ vệ sinh chợ, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh, ai vi phạm sẽ bị xướng tên trên loa đài, tái phạm sẽ bị xử lý.

Ngoài thường xuyên kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh, theo ông Chắp, thực phẩm chính và sống kinh doanh ở chợ Võ Thành Trang dứt khoát không được bán cùng một nơi, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ cũng được quản lý chặt, ai tái phạm sẽ bị xử phạt. Tại khu vực kinh doanh thực phẩm, sau khi kết thúc buổi kinh doanh tiểu thương đều phải tự làm vệ sinh, sau đó ban quản lý chợ dùng nước phun xịt lần hai để có mặt bằng sạch sẽ cho ngày mai tiếp tục kinh doanh.

“Tự làm sạch nơi buôn bán đã trở thành thói quen của nhiều tiêu thương ở đây. Không gian buôn bán thực phẩm sạch sẽ không chỉ để thực phẩm vệ sinh mà còn thut hút khách hàng, vì tâm lý không ai thích mua một miếng thịt ngon ở nơi bán không hợp vệ sinh cả”, bà Linh Đan, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Võ Thành Trang chia sẻ.

tp ho chi minh tang cuong giam sat an toan ve sinh thuc pham tai cho truyen thong
Dù chợ xây dựng đã lâu nhưng không gian kinh doanh thực phẩm ở chợ Võ Thành Trang luôn sạch sẽ

Tổ chức nâng cấp chợ truyền thống nhằm xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm đã được UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua.

Theo đó các đề án, dự án như "Chuỗi thực phẩm an toàn"; "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm"; “An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020” và "Chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm" đã được triển khai. Mục tiêu là tập trung điều kiện về kinh doanh, phấn đấu đảm bảo 100% hàng hoá thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh.

Hiện tại, các quận huyện ở thành phố đang tổ chức chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống từ ban quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm quản lý và vận hành hiệu quả hơn. Đại diện quản trị một số chợ truyền thống đã chuyển đổi mô hình quản lý cho rằng, sau khi chuyển đổi, ngoài giảm lực lượng quản lý, việc nâng cấp, cải tạo, vệ sinh chợ, an toàn thực phẩm đều được xử lý nhanh và hiệu qủa thấy rõ.

Chẳng hạn như tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được tuyên truyền, vận động thương nhân nắm bắt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy suất nguồn gốc hàng hoá, kiểm tra tính pháp lý của các cơ sở sản xuất hàng hóa cung cấp vào chợ.

Theo ông Lê Văn Tiển - Phó Ban quản lý chợ đầu mối Móc Môn, để các loại thực phẩm bày bán ở chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đảm bảo vệ sinh công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chực năng là chưa đủ mà cần sự hợp tác chặt chẽ của người kinh doanh. Cụ thể, các tiểu thương, thương buôn phải luôn nâng cao ý thức thực hiện việc kinh doanh thực phẩm hợp vệ sinh trong vận chuyển, bảo quản, chế biến; hàng hoá kinh doanh phải có truy suất nguồn gốc và cần loại trừ những loại hàng hoá không đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào kinh doanh.

Thế Vĩnh