0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc: Xây dựng vùng sản xuất tập trung

29/06/2020    4.6/5 trong 5 lượt 
Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc: Xây dựng vùng sản xuất tập trung
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn và đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và xây dựng chuỗi liên kết… Hoạt động này nhằm truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường.
Sản xuất theo hướng chuyên canh
 
Từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích hơn 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo hướng VietGAP; 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng mô hình VietGAP…
 
Việc xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
 
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, các địa phương đã xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, thực hiện khảo sát 30 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm hỗ trợ xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
 
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng 141 chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân tham gia, được giám sát thường xuyên về điều kiện an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
 
Ở góc độ địa phương, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, để quản lý chất lượng an toàn nông sản, thực phẩm, huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: Vùng trồng rau an toàn tại xã Chu Minh và thị trấn Tây Đằng; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã: Tản Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã: Cổ Đô, Vạn Thắng... Đặc biệt, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã hình thành 12 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
 
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
 
Bên cạnh những mặt tích cực, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc còn nhiều bất cập: Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ chưa nhiều… Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng; việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, nhưng trong quá trình thực hiện tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp…
 
Để tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp sạch. Trong đó, chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất thịt sạch, rau sạch… bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, huyện giám sát chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.
 
Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; quản lý, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố; mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn…
 
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; kiểm soát hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chất cấm; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, vật tư nông nghiệp để giám sát chất lượng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc địa bàn quản lý, từng bước đưa việc quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả ngay từ gốc...
QUỲNH DUNG