0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tìm giải pháp cung ứng thực phẩm an toàn

13/07/2018    4.5/5 trong 6 lượt 
Tìm giải pháp cung ứng thực phẩm an toàn
Các doanh nghiệp cùng với chính quyền Đà Nẵng đang tìm kiếm những giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi cung ứng tại thành phố này.

Doanh nghiệp thực phẩm quan ngại đầu vào

Công ty An Thạnh chuyên cung ứng thực phẩm chế biến và suất ăn tập thể cho các thị trường Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trong bảy năm qua. Thời gian đầu, công ty thu mua nguyên liệu từ nông dân dựa vào sự tin tưởng là chính. Cũng có vài trường hợp, công ty qua hệ thống máy kiểm tra nhanh đã phát hiện nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng hóa chất bảo quản vượt quá quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đó công ty đã quyết định chấm dứt hợp đồng thu mua.

Thời gian sau này, nhằm tránh rủi ro cho chính mình và nguy cơ “lọt sổ” thực phẩm không đạt chất lượng, An Thạnh đã đề ra những quy định ràng buộc cũng như trách nhiệm bồi thường nếu nông dân, nhà cung cấp nguyên liệu vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức hướng dẫn quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân, giúp việc kiểm soát đầu vào chặt chẽ hơn.

“Tâm lý người nông dân khi trồng rau hay nuôi gia súc, gia cầm thường làm theo các phương pháp truyền thống, quan tâm đến sản lượng mà ít chú ý đến chất lượng”, ông Châu Quang Anh, Giám đốc Công ty An Thạnh, nhận xét. “Cách tốt nhất là đồng hành cùng họ và đưa ra những chế tài rõ ràng. Những nhà cung cấp từ đó muốn bán hàng cho chúng tôi phải tuân thủ những quy định”.

Tuy nhiên, theo ông Anh, đây chỉ là giải pháp tạm thời của doanh nghiệp để hạn chế rủi ro. Ông giải thích thêm, bên cạnh những nhà cung cấp trực tiếp là nông dân, công ty cũng thu mua một số loại thực phẩm từ bên thứ ba. “Hệ thống máy kiểm tra nhanh của chúng tôi là chưa đủ. Rất khó để biết chính xác các nguyên liệu có an toàn hay không. Nhiều sản phẩm sử dụng hóa chất mà tác hại chỉ có thể phát hiện sau 5-10 năm”.

Trong khi đó, ông Phạm Đắc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Đắc Vinh - chuyên cung cấp thịt heo và thực phẩm cho nhiều bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố, cho biết trăn trở lớn nhất của ông là không kiểm tra được nguồn rau, củ, quả hay thịt heo nhập về có sạch thật không. Công ty của ông chỉ đặt lòng tin vào những tờ giấy chứng nhận đi theo những lô hàng hóa nhập về từ các tỉnh, thành khác. Ông đưa ra ví dụ, trái cây ở chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) chủ yếu được nhập từ các tỉnh miền Tây Nam bộ và tỉnh lân cận là Quảng Nam. Khi đặt hàng mua trái cây ở đây, ông không thể yêu cầu người bán xuất trình giấy tờ chứng minh sự an toàn và xuất xứ của sản phẩm. Ông chỉ biết dựa vào uy tín của đối tác.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng, cho biết quan ngại của những doanh nghiệp như An Thạnh hay Đắc Vinh là có cơ sở. Ông cũng thừa nhận thực phẩm là vấn đề nhạy cảm và cần sự chung tay của nhiều bên từ doanh nghiệp đến các sở ban ngành để kiểm soát thật tốt. “Có hơn 3.000 cơ sở thực phẩm trên toàn thành phố nên việc quản lý an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào là một thách thức lớn”, ông Hải nói. Nguyên liệu đầu vào để chế biến như rau củ quả hay thịt heo... hiện Đà Nẵng đang nhập về từ hơn 10 tỉnh, thành. Ông Hải cho biết, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thường xuyên lấy mẫu giám sát hàng tuần, đánh giá an toàn và yêu cầu tạm dừng nhập nếu phát hiện những vi phạm, nhưng điều này cũng không xuể.

Đi tìm giải pháp khả thi

Theo ông Hải, một trong những giải pháp khả thi là ký kết hợp tác chính thức với các tỉnh, thành trong đó có những điều kiện về nguồn hàng vào Đà Nẵng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến trong cuối năm nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng sẽ xúc tiến ký kết hợp tác cung ứng thực phẩm an toàn với tỉnh Bình Định, cụ thể là huyện Hoài Ân. Thành phố cũng thúc đẩy hợp tác về sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với Quảng Nam vì hiện nay chỉ có bảy doanh nghiệp của hai địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác về cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch, con số này là quá ít.

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Phạm Đắc Vinh, việc chính quyền Đà Nẵng ký kết với các địa phương là điều kiện cần chứ chưa đủ, bởi cuối cùng việc thực thi vẫn phải là những doanh nghiệp. Để phân tích cho nhận định của mình, ông Vinh nêu ví dụ Tiền Giang là địa phương có nguồn cung ứng trái cây lớn nhất vào thị trường Đà Nẵng, nhưng chất lượng sản phẩm cung cấp chưa ổn định là do các cơ sở và doanh nghiệp Tiền Giang còn thu mua trái cây từ các tỉnh khác. “Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn cũng còn chậm. Số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chưa nhiều”, ông nói thêm.

Theo đề nghị của ông Vinh, cách tốt nhất là tạo được chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và khép kín. Ông giải thích, khi một chuỗi cung ứng được quản lý khép kín, rủi ro về việc người tiêu dùng sử dụng thực phẩm kém chất lượng sẽ được giảm đến mức tối đa. Về vấn đề này, ông Hải cho biết hiện Đà Nẵng đã triển khai được bốn chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm cửa hàng bán rau của siêu thị Co.opmart, cửa hàng rau an toàn của Liên hiệp HTX Liên Thành, cửa hàng bán rau của Công ty TNHH Khoa Hưng Thịnh và chi nhánh Công ty MM Mega Việt Nam tại Đà Nẵng. Các cơ sở cung cấp hàng cho chuỗi siêu thị, cửa hàng này tại Đà Nẵng đều được chứng nhận VietGAP.

Trong khi đó, ông Châu Quang Anh ủng hộ việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc ngay từ các chợ đầu mối và chợ truyền thống. Ông Anh giải thích, khi các cơ quan như Cục Quản lý thị trường hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm làm tốt công tác tiền kiểm và hậu kiểm tại các chợ, nguy cơ thực phẩm bẩn đi đến các cơ sở chế biến sẽ giảm đáng kể. “Một điều quan trọng nữa là ý thức của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng chung tay, tẩy chay thực phẩm rẻ, kém chất lượng thì dần dà trên thị trường sẽ chỉ còn chuỗi thực phẩm an toàn”, ông nhận định. 

Kiểm soát nguồn thủy sản ngay tại cảng

Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tàu cá năm 2018, nhằm quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm thủy sản trên địa bàn thành phố.

Đoàn đã thực hiện kiểm tra 248 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, kết quả toàn bộ số tàu này đều xếp loại B do không có giấy khám sức khỏe của thuyền viên và chủ tàu, không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; một số tàu cá không có hồ sơ ghi chép. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở chủ tàu duy trì việc vệ sinh tàu cá, bổ sung hồ sơ, hoàn thành thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2018.

Đồng thời, Chi cục Thủy sản cũng triển khai việc ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong quá trình khai thác, đánh bắt, bảo quản và vận chuyển thủy sản đối với 35 tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20-90 CV.

Nhân Tâm