Chính phủ có thể vừa quy định tư nhân phải tự túc vốn, vừa cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để nhập công nghệ mới.
Sức ảnh hưởng của công nghệ hiện đại đang bao trùm lên ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam. Nó có thể là động lực góp phần vào tăng trưởng của ngành trong vài thập niên tới, nhưng cũng có thể trở thành yếu tố làm chậm lại quá trình tăng trưởng đó, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản với thời gian ngắn hơn nhiều.
Tư nhân làm tốt hơn
Nhập khẩu công nghệ đang được một số doanh nghiệp sử dụng như một phương thức để mang lại nhiều giá trị hơn. VitaDiry, ví dụ về một doanh nghiệp đang lớn, mới đây đã chi 6 triệu USD xây nhà máy chế biến sản phẩm dinh dưỡng thứ hai tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương.
Chủ tịch HĐQT VitaDairy, bà Nguyễn Tú Anh, cho biết, VitaDairy tại Bình Dương được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại của Đức, với sản lượng 5.000 tấn/năm, quy trình kiểm soát khép kín và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 cũng như ISO 22000 & HACCP, tiêu chuẩn đánh giá mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm hàng đầu hiện nay.
Sản phẩm VitaDairy mang nặng các yếu tố liên quan đến y tế, chủ yếu phục vụ bệnh nhân gan, thận…, nên các quy định kiểm soát được áp dụng nghiêm ngặt trong toàn chuỗi, từ nghiên cứu, thử nghiệm, nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất khi đưa ra thị trường.
VitaDiry đang học cách sản xuất từ các nhà công nghiệp hàng đầu thế giới bằng nguồn vốn tự có và một phần vay từ các ngân hàng. Dù vậy, chiến lược này có thể giúp VitaDairy phát triển được chuỗi giá trị, bằng những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với người tiêu dùng trong nước.
Thế nhưng, số doanh nghiệp tư nhân có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư dây chuyền sản xuất mới như VitaDiry là không nhiều. Việc nhập khẩu công nghệ mới và hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải có rất nhiều tiền.
Theo quan sát của GS. Trần Văn Thọ, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công nghệ của khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả hơn doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng việc phải tự túc về vốn buộc doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ thị trường và lựa chọn công nghệ một cách kỹ lưỡng.
GS Thọ, người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, trong giai đoạn phát triển, Chính phủ Nhật Bản đã rất coi trọng nhập khẩu công nghệ và mua lại các phát minh sáng chế.
Nhật Bản đã cải tạo căn bản tài sản cố định, tăng năng suất lao động trung bình hàng năm giai đoạn 1955-1965 lên mức 9,4% thông qua 15.289 vụ nhập khẩu công nghệ giai đoạn 1950 đến 1971 và chi khoảng 6 tỷ USD để mua lại phát minh của nước ngoài giai đoạn 1950-1968.
Thêm nữa, Chính phủ Nhật một mặt siết chặt quản lý nhập khẩu công nghệ, đưa ra quy định doanh nghiệp tư nhân phải tự túc vốn nhập khẩu công nghệ, nhưng mặt khác lại lựa chọn một số ngân hàng để cho doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ vay vốn với lãi suất ưu đãi.
GS Thọ khuyến cáo Việt Nam có thể học Nhật Bản kinh nghiệm hỗ trợ khu vực tư nhân cải thiện chất lượng sản phẩm bằng nhập khẩu công nghệ hiện đại. Ông nói: “Chính phủ Việt Nam cũng có thể làm được điều này”.
Ai sẽ sản xuất?
Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nhưng thuần tuý là làm thương mại, theo hình thức mua và bán. Một vấn đề lớn được đặt ra: Ai sẽ sản xuất khi thị trường phát triển lên cấp độ cao hơn, với 100 triệu người tiêu dùng?
Trong khi đó, bởi nguyên nhân thiếu vốn đầu tư công nghệ mới, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam dù đã hình thành, nhưng chưa đủ mạnh để phát triển được chuỗi giá trị theo hướng công nghệ cao, cũng như đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với hầu hết người tiêu dùng trong nước.
Theo quan sát của ông BT Tee, Tổng giám đốc UBM, đơn vị tổ chức 12-14 sự kiện/năm tại Việt Nam, nhu cầu của doanh nghiệp đang thay đổi, họ quan tâm nhiều hơn đến công nghệ mới, dây chuyền sản xuất hiện đại, đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng, thay vì chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư và làm mọi cách để giảm mức đầu tư xuống mức thấp nhất như trước đây.
“Không có lợi thế về quy mô, Việt Nam sẽ khó phát triển được công nghệ lĩnh vực này”, ông Tee nhận định. Ông ví von nếu một công ty đặt nhà máy tại Việt Nam chỉ bán được 100 máy làm kem, nhưng nếu đặt nhà máy ở châu Âu lại có thể bán được 25.000 chiếc.
“Chi phí sẽ rất lớn nếu đầu tư chế tạo mà thị trường không đủ lợi thế về quy mô. Việt Nam có thể phải mất 20 năm để sản xuất được máy móc thiết bị và sẽ không thể nhanh hơn, bởi sự thay đổi diễn ra rất chậm”.
Trải qua nhiều triển lãm công nghiệp, ông Tee nói rằng các công ty trong nước không thể chế tạo dây chuyền công nghiệp mới với nền tảng hiện có. Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.
Vị doanh nhân đến từ Malaysia này cũng nói rằng, điều cần nhất là một “hệ sinh thái cho sáng tạo phát triển”, đó là một môi trường chính sách, với những hỗ trợ ban đầu để tiếp cận máy móc hiện đại. Song, ông Tee, người đến Việt Nam làm việc từ 6 năm nay, cũng thừa nhận: “Điều này, nói dễ hơn làm”