Chưa thực hiện đăng ký hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, chứng nhận chất lượng nhưng các công ty này vẫn cung cấp dịch vụ một cách công khai và sai luật khiến cho không ít doanh nghiệp sập bẫy.
Theo thông tin từ Vụ Pháp chế Thanh tra – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), thời gian vừa qua, đơn vị này đã tiến hành thanh tra đột xuất đối với 4 công ty: Công ty TNHH Chứng nhận Pro-Cert, Công ty cổ phần Unicert Việt Nam, Công ty TNHH Unied Registrar Of Systems Việt Nam (URS) và Công ty MS Cert.
Giấy chứng nhận được cấp bởi các công ty "ma"
Qua quá trình thanh tra đã phát hiện các công ty này đã thực hiện đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 22000 và hệ thống quản lý An toàn thực phẩm HACCP cho khách hàng khi chưa thực hiện đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định.
Theo ông Vũ Đại Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), dù chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, chứng nhận chất lượng nhưng các công ty này vẫn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp không nắm được quy định là các tổ chức chứng nhận phải đăng ký và được cấp phép hoạt động của cơ quan chức năng mà cụ thể là Tổng cục TCĐLCL theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN và Thông tư số 10/2011/TT-BKHCN của Bộ KH&CN nên đã bỏ tiền làm dịch vụ từ các công ty này, thậm chí họ cũng không biết làm như vậy là vi phạm”, ông Dương cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, các công ty làm dịch vụ chứng nhận hệ thống chất lượng thường sử dụng các chiêu trò câu kéo, giảm giá với nhiều chế độ ưu đãi như ít thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận để thu hút khách hàng.
Để che mắt cơ quan chức năng, các tổ chức chứng nhận “ma” này thường “thoắt ẩn thoắt hiện”, khai man hoặc giả mạo địa chỉ trụ sở. Các giao dịch thường được thực hiện thông qua điện thoại hoặc trao đổi trên chat room qua website của công ty.
“Qua quá trình xác minh, thanh tra chúng tôi nhận thấy, các công ty này dùng rất nhiều chiêu trò để lừa đảo doanh nghiệp. Ví dụ như Công ty TNHH Chứng nhận Pro-Cert đã giải thể từ tháng 8/2016 thế nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2005 cho công ty tại Bình Phước. Giấy chứng nhận được công ty này cấp có thời hạn đến năm 2019”, ông Dương cho biết.
Hay ở trường hợp của Công ty cổ phần Unicert Việt Nam, công ty này có ghi địa chỉ tại : tầng 3, tòa nhà 198 Nguyễn Tuân, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, HN. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế công ty này không tồn tại ở địa chỉ trên.
Công ty MS Cert cũng trong tình trạng tương tự. Là công ty của nước ngoài có trụ sở chính tại Ấn Độ và có văn phòng ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Indonesia, Singapore, Thái Lan… nhưng không có thông tin về địa điểm văn phòng tại Việt Nam, trong khi đó công ty này vẫn cấp giấy chứng nhận “chui” cho hàng loạt doanh nghiệp, ông Dương thông tin.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục TCĐLCL cho biết, đối với các tổ chức chứng nhận chưa thực hiện đăng ký hoạt động chứng nhận theo quy định tại Tổng cục TCĐLCL, do vậy các Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp với các tiêu chuẩn HACCP, ISO… của các doanh nghiệp được cấp bởi các tổ chức chứng nhận nêu trên là không có giá trị.
“Hiện nay danh sách Tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận được Tổng cục TCĐLCL cập nhật liên tục tại cổng thông tin: http://www.tcvn.gov.vn. Các doanh nghiệp khi có nhu cầu chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn hãy lựa chọn các tổ chức chứng nhận đã đăng ký để sử dụng dịch vụ, nhằm tránh các tổ chức chứng nhận làm ăn phi pháp trục lợi, gây nên hậu quả không đáng có”, ông Linh khuyến cáo