0908.326.779 - 0906.362.707
 

Xuất khẩu cá da trơn: Có phải mọi cánh cửa đã khép lại?

13/07/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Xuất khẩu cá da trơn: Có phải mọi cánh cửa đã khép lại?
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam sắp phải đối phó với những khó khăn do Mỹ sẽ tăng cường quản lý các tiêu chí an toàn thủy sản.

Sau Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston tháng 3/2017, các nhà xuất nhập khẩu nhận định, khó có khả năng USDA công nhận ngành cá tra Việt Nam tương đồng như ngành cá da trơn tại Hoa Kỳ.

Ma trận cá da trơn

Theo những người am hiểu về thị trường thủy sản thì sau hội chợ này, khả năng nguồn hàng Việt Nam đưa vào Hoa Kỳ có thể bị gián đoạn một khi Đạo luật Farm Bill có hiệu lực, thậm chí một số doanh nghiệp Mỹ phải nhanh chóng nhập nhiều hàng hơn để trữ lại bán sau tháng 9/2017.

Mấu chốt của vấn đề là an toàn thủy sản. Một người Việt định cư ở Poughkeepsie, New York (Mỹ) từng là người nuôi cá ở An Giang cảnh báo: doanh nghiệp Việt nuôi cá tra nếu không cẩn thận thì khi người dùng tại Mỹ chế biến cá thấy mùi khác thường là bị “bít cửa”!

Lời cảnh báo không thừa, vì hiện vẫn tồn tại một thực tế, tại Việt Nam thuốc trừ sâu như chlorpyrifos dưới tên gọi là Địch Bách Trùng (Trung Quốc) được sử dụng khá phổ biến trong các hồ nuôi cá.

Hiện nay loại cá có dư lượng thuốc này tại Trung Quốc vẫn được người tiêu dùng ăn, nhưng dễ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lọt vào danh sách đen của USDA.

Hoa Kỳ luôn có các hàng rào bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước như: “Bộ Luật liên bang CFR”, "Luật Liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm", “Luật sửa đổi về An toàn thực phẩm” và gần đây là Đạo luật Nông trại (Farm Bill)… quy định các hành vi bị cấm và các hình thức xử phạt có liên quan.

Các chuyên gia về chính sách nông nghiệp và thực phẩm từ các bang tại Hoa Kỳ đã gặp nhau để thảo luận về Dự luật Farm Bill. Các chuyên gia thảo luận về cách xây dựng nội dung và sự nhất trí chung quanh chính sách nông nghiệp, lương thực và bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của họ trong việc thông qua nội dung có tính toàn diện và kịp thời của dự luật.

“Đang có nhiều thay đổi, nhưng dường như doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ chưa cập nhật kịp”, bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia kiểm định ATTP nói. Riêng Đạo luật Nông trại (Farm Bill) có thay đổi lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải biết là chương trình kiểm tra cá da trơn sẽ được chuyển từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).

Các nước xuất khẩu cá da trơn (như Việt Nam) vào Hoa Kỳ sẽ đáp ứng yêu cầu phải về chương trình giám sát ATTP trong quá trình nuôi cũng như việc sản xuất và kiểm tra, chứng nhận lô hàng trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo chiến lược chuyển từ thích ứng sang phòng ngừa.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Hải - thành viên nuôi cá tra của HTX Thới An (Cần Thơ) cho rằng, càng ngày xuất khẩu càng khó. Người nuôi cá tra nhỏ lẻ hay một HTX gia công có vẻ như không còn phù hợp với những quy định và giám sát theo chuỗi kinh doanh toàn cầu. Nhưng phải làm gì đây thì nhiều hộ nuôi trồng thủy sản như ông hầu như không biết!

Tìm lối đi riêng

Chia sẻ với các khó khăn chung của doanh nghiệp thủy sản, bà Trần Thị Vân Loan - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long (An Giang) - CL Fish Corp tỏ ra rất thận trọng khi nói đến việc đưa cá tra ra thị trường toàn cầu.

Từ năm 2006, CL Fish Corp đã là nhà cung cấp trực tiếp cho hệ thống siêu thị tại Ảrập Saudi và năm 2007, thông qua một nhà phân phối cung cấp cho Walmart Mexico. Đến năm 2011, CL Fish Corp cung cấp cho hệ thống siêu thị Samclub tại Hoa kỳ và sau đó chính thức trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho hệ thống siêu thị Walmart toàn cầu. Để đạt được những điều đó, CL Fish Corp phải có các chứng nhận chất lượng: BAP của Hoa Kỳ, SC, GlobalGAP của châu Âu hay BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Anh)... Và cái chính là chất lượng sản phẩm phải bảo đảm “mắt thấy tai nghe” về quy trình khép kín từ nuôi trồng đến sản xuất, đầu tư công nghệ cho nhà máy sản xuất.

Công ty đã đầu tư vùng nuôi cá tra sạch khoảng 100 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở Đồng Tháp, An Giang... Nhà máy áp dụng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng theo những tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, IFS, ISO 22000, BRC, Halal... nhằm đáp ứng được hầu hết các yêu cầu khắt khe nhất của các thị trường.

Tháng 2/2005, khi thị trường Hoa Kỳ cấm nhập khẩu cá tra phi lê do vụ kiện chống bán phá giá; châu Âu hạn chế và gần như không cấp Code mới cho các doanh nghiệp nhập thủy sản vào thị trường này do bị sự cố nhiễm Malachite green (một chất kháng sinh bị cấm sử dụng trong thủy sản). Bà Vân Loan khi đó đã có những quyết định đầu tư chiều sâu cứu công ty gia đình thoát khỏi bờ vực phá sản và 3 năm sau đó, sản lượng xuất khẩu đạt 12.700 tấn thành phẩm; doanh thu 649,13 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2007; lợi nhuận sau thuế đạt 70,56 tỷ đồng, tăng 25,78% so với năm 2007. Hiện nay, doanh thu cả năm của CL Fish Corp khoảng 1.300 tỷ đồng, chỉ số ROE là 7,82%.

Từng điều hành 1 trong 6 công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP năm 2010), bà Vân Loan cho biết, cách đi của công ty là vừa tiếp cận Samclub để vào Hoa Kỳ vừa cung ứng cho Walmart toàn cầu, đưa cá đến những nơi Walmart đang tăng cường ảnh hưởng.

Nhờ vậy, sản phẩm của CL Fish Corp đã tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ bằng cách tự tìm thị trường. Ngay ở thời điểm thuận lợi nhất, bà Vân Loan vẫn nghĩ tới việc đa dạng hóa thị trường như Dubai để từ đó đưa sản phẩm lan tỏa khắp xứ sở của những quốc gia dầu mỏ.

Rõ ràng những bước phát triển của ngành thủy sản sẽ cần rất nhiều nỗ lực của từng cá nhân lẫn các doanh nghiệp trong toàn ngành để đáp ứng được những quy định và giám sát vấn đề ATTP theo chuỗi kinh doanh toàn cầu. Kinh doanh trong nước hay quốc tế đều phải tuân thủ các chuẩn mực cơ bản mới mong phát triển bền vững

Khánh An