Đại diện Vissan nói như vậy tại hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 tại khu vực phía Nam tổ chức ngày 6-3
Nhiều người vẫn chọn mua thực phẩm rẻ, kém chất lượng
100% người tiêu dùng cho biết rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng cũng có hơn nửa số đó lại chọn mua thực phẩm ở chợ tạm hay những nơi bày bán kém vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dẫn ra tình trạng này tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cho rằng để dẹp được tình trạng thực phẩm kém an toàn hiện nay, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen, tự nâng cao ý thức
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học & công nghệ, Bộ Công thương, cho biết nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây đến từ nguyên nhân nhiều người tiêu dùng biết sản phẩm mất vệ sinh, kém an toàn nhưng vẫn mua về ăn như tiết canh, rượu có phetanol...
Rất nhiều nơi, người tiêu dùng thường lựa chọn những sản phẩm giá rẻ, ngay như các khu chợ tạm dành cho công nhân, dù biết thực phẩm bày bán bị thiu, cũ... nhưng do giá rẻ, phù hợp với khả năng chi tiêu, nhiều công nhân vẫn bấm bụng mua về dùng.
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội tại hội thảo - Ảnh: HỮU KHOA |
Ngoài ra, ông Cường cũng nói thêm, một trong những khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm là hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh nói chung và vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh còn hạn chế.
Đặc biệt một số hộ kinh doanh còn gây khó khăn cho đơn vị quản lý chợ trong việc phân khu, bố trí lại khu vực chức năng để chợ đáp ứng tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bà Đặng Thị Minh Phương, phó tổng giám đốc Vissan, cũng cho biết với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, khảo sát thì có đến 86% người tiêu dùng chọn mua thịt ở chợ tạm, chợ cóc, điều kiện bày bán không đủ tiêu chuẩn, bán hàng trên vỉa hè...
Thói quen này đã ảnh hưởng đến nỗ lực cung cấp mặt hàng thịt tươi sống, truy xuất nguồn gốc của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đề nghị phải thu hẹp hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ, tự phát manh mún, việc giết mổ cần thiết thực hiện theo phương thức tập trung công nghiệp, vì nếu giết mổ thủ công thì không thể đem lại những miếng thịt an toàn, đảm bảo vệ sinh”, bà Phương nói.
Cần thay đổi suy nghĩ
Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, cũng cho rằng người tiêu dùng cần thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm tươi sống trôi nổi ngoài chợ bằng việc sử dụng thực phẩm đóng gói, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
“Người dân các nước vẫn sử dụng thực phẩm đóng gói, đông lạnh và họ vẫn khỏe mạnh trong khi người tiêu dùng Việt Nam cứ quan niệm thực phẩm đông lạnh là kém chất lượng, hàng dư thừa được cấp đông... chúng ta cần thay đổi suy nghĩ.
Người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm trong việc cùng cơ quan dẹp bỏ tình trạng vệ sinh kém an toàn thực phẩm”, bà Minh nói.
Bà Minh cũng đề xuất, để quản lý thực phẩm tốt, cần áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát, ở các nước, việc báo cáo hoạt động tuân thủ các chương trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp đều qua công nghệ. Trên cơ sở đó, cơ quan thanh tra sẽ theo dõi và phát hiện kịp thời nếu có bất thường, chứ không phải mất công đi thanh tra thường xuyên.
Trong khi đó, tại VN, đại diện Vissan cho biết không có cơ quan nào ở VN đi kiểm tra việc tuân thủ VietGap sau khi cấp giấy chứng nhận, do vậy, tình trạng có được giấy chứng nhận nhưng sau một thời gian không ít cơ sở, doanh nghiệp bỏ, không làm theo đúng quy trình nữa.
5 năm, phạt 100 tỉ đồng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm
Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong giai đoạn 2011-2016, ngành y tế đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỉ đồng. Ngoài ra, còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm.
Số lượng hậu thanh thanh, kiểm tra đã tăng gấp 1,5 -2 lần so với các năm trước và số vụ xử lý năm sau tăng hơn năm trước từ 10-20%.
Đặc biệt trong năm 2016, số cơ sở bị xử lý tăng mạnh từ 17,6% lên 23,4%, tỷ lệ phạt tiền tăng lên 67% so với 50,5% của năm 2015.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Công thương, giai đoạn 2011-2015 hàng loạt vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm liên tục xảy ra đã ảnh hướng sức khỏe đến cộng đồng, tác động đến sự phát triển kinh tế -xã hội không chỉ giới hạn phạm vi quốc gia mà lan rộng khu vực và thế giới.
Đại diện Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở địa phương, đặc biệt đối với tuyến quận, huyện, xã phường có đủ lực lượng kiểm tra, thanh tra các cơ sở nhỏ lẻ và phù hợp với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm các nước trên thế giới.
|