Làm chuẩn từ cấp xã, phường
Đề cập đến công tác quản lý
an toàn thực phẩm trong thời gian qua, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong 8 tháng năm 2017, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 40.000 cơ sở sản xuất,
chế biến,
kinh doanh thực phẩm, trong đó có khoảng 86% cơ sở bảo đảm các tiêu chí đề ra, 14% cơ sở chưa đạt yêu cầu. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt các cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, hiện nay, việc xử phạt các đơn vị vi phạm bước đầu đã được thực hiện ở các xã/phường. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, xử lý còn gặp khó khăn do nhiều viên chức ở địa phương chưa có kiến thức, kinh nghiệm về công tác thanh tra...
Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, theo phân cấp quản lý, tuyến quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn có Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện chức năng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tham mưu xử phạt các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh nhỏ có vi phạm trên địa bàn thuộc quyền quản lý. Thế nhưng, trên thực tế, công tác quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở, nhất là tuyến xã/phường còn nhiều hạn chế. Một số lãnh đạo xã, phường chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chưa nắm chắc quy định liên quan tới quản lý an toàn thực phẩm, do đó, hoạt động quản lý mới chỉ thực hiện tốt ở khâu tuyên truyền, còn các phần việc khác như bố trí nhân lực, triển khai kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi vi phạm, xử lý vi phạm… đều gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế nói trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn. Văn bản này gồm 25 tiêu chí với thang điểm tối đa là 100 điểm, nhưng có thêm các tiêu chí phụ để xét điểm thưởng (5 điểm) hoặc điểm trừ (10 điểm).
Một số tiêu chí nổi bật gồm: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; hoạt động của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm; triển khai công tác thực hiện thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm theo phân cấp; tổ chức phát động hay hội nghị triển khai về an toàn thực phẩm trong dịp cao điểm; công khai các cơ sở không thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...
Với Bộ tiêu chí này, những quận/huyện/thị xã hay xã/phường/thị trấn đạt 100 điểm trở lên (cả điểm cộng) sẽ được xếp loại xuất sắc; đạt từ 90 đến dưới 100 điểm được xếp loạt A (tốt), từ 70 đến 89 điểm được xếp loại B (khá), từ 50 đến dưới 70 điểm được xếp loại C (trung bình).
Theo ông Trần Văn Chung, mục tiêu của Bộ tiêu chí là cung cấp công cụ đánh giá thực trạng công tác quản lý an toàn thực phẩm của tuyến cơ sở, nhất là tuyến xã/phường; góp phần định hướng, khắc phục những mặt hạn chế ở từng đơn vị.
Phân loại cơ sở kinh doanh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 60.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 124
siêu thị, 22 trung tâm thương mại, hơn 1.000 điểm giết mổ thủ công. Bộ tiêu chí cũng được áp dụng đối với hộ sản xuất, cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm theo thang điểm 100, bao gồm 5 tiêu chí cụ thể: Chấp hành các quy định pháp luật chung; thực hiện đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát
chất lượng sản phẩm; áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; điểm thưởng (đóng góp các quỹ xã hội từ thiện nhân đạo, tầm ảnh hưởng, uy tín của sản phẩm đối với xã hội).
Ông Trần Văn Chung cho rằng, thời gian qua, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tham mưu UBND TP Hà Nội đề ra kế hoạch khắc phục hạn chế, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tập trung nhiều nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, vì vậy công tác này đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu có quy mô nhỏ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc… nên công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn.
Dựa theo Bộ tiêu chí nói trên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phân loại cơ sở làm tốt, chưa tốt theo các thang điểm và xếp loại từ xuất sắc đến A,B,C, sau đó sẽ công bố để người tiêu dùng được biết. Do đó, các cơ sở kinh doanh muốn phát triển, muốn tồn tại thì phải tự nâng cao chất lượng, bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Theo bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, với người tiêu dùng, việc ban hành Bộ tiêu chí về an toàn thực phẩm rất quan trọng bởi căn cứ vào thông tin xếp loại, họ sẽ biết những địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch - đã được cơ quan chức năng đánh giá, phân loại. Nói cách khác, giờ đây, người tiêu dùng có thể chủ động lo cho mình và gia đình bữa ăn an toàn thay vì luôn băn khoăn không biết mua thực phẩm sạch ở đâu