0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

17/06/2022    1/5 trong 1 lượt 
Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

1. Sửa đổi khoản 8 Điều 3 như sau:
8. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới là phụ gia thực phẩm có chứa từ hai (02) chất phụ gia trở lên và có ít nhất một (01) công dụng khác với tất cả công dụng đã được quy định cho mỗi chất phụ gia đó.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:
4. Hương liệu dùng trong thực phẩm bao gồm các hương liệu thuộc một trong các danh mục sau: 
a) Hương liệu đã được JECFA đánh giá, xác định an toàn ở các lượng ăn vào dự kiến hoặc lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI);
b) Hương liệu được công nhận an toàn (GRAS) ban hành bởi Hiệp hội các nhà sản xuất hương và chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA);
c) Hương liệu dùng trong thực phẩm của Liên minh châu Âu ban hành bởi Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu.”.
3. Bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 5 như sau:
5. Phụ lục 2A và Phụ lục 3 được cập nhật theo Bảng 1 (Table 1) và Bảng 3 (Table 3) của tiêu chuẩn mới nhất của CAC[ General Standard for Food Additives (CODEX STAN 192-1995)] về phụ gia thực phẩm.
6. Ngoài các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 của Điều này, phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo quy định tại các tiêu chuẩn của CAC về sản phẩm thực phẩm.”
4. Bổ sung 19 chất phụ gia thực phẩm vào Phụ lục 2B - Mức sử dụng tối đa phụ gia thực phẩm trong thực phẩm chưa được quy định theo tiêu chuẩn CODEX STAN 192-1995(2018) theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau:
1. Ban hành kèm theo Thông tư này Phân nhóm và mô tả nhóm thực phẩm tại Phụ lục 4 để xác định nhóm thực phẩm áp dụng đối với Phụ lục 2A và Phụ lục 3. Phụ lục 4 được cập nhật theo Phụ lục B (Annex B) của tiêu chuẩn mới nhất của CAC về phụ gia thực phẩm.”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:
2. Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn tra cứu các quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm của CAC, danh mục hoặc cơ sở dữ liệu về hương liệu thực phẩm của JECFA, FEMA và Liên minh châu Âu trên trang thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm (địa chỉ: https://vfa.gov.vn/). Cục An toàn thực phẩm đề xuất soát xét, sửa đổi Thông tư này định kỳ hai (02) năm một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu quản lý trên cơ sở cập nhật tiêu chuẩn CAC và đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, thực phẩm.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Phần 7 Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” như sau:

Phần 7. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG AN TOÀN CHẤT HỖ TRỢ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM
Việc sử dụng an toàn các chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất và chế biến thực phẩm thực hiện theo các nguyên tắc tại Mục 3 Nguyên tắc sử dụng an toàn các chất hỗ trợ chế biến trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11429:2016 (CAC/GL 75:2010) về Hướng dẫn sử dụng chất hỗ trợ chế biến.”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

1. Sửa đổi Điều 4 như sau:
Điều 4. Quy định về áp dụng GMP và chứng nhận tương đương với Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu phải được sản xuất ở cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất (bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chỉ định, thừa nhận hoặc cơ quan, tổ chức của nước khác được cơ quan quản lý nhà nước của nước sản xuất thừa nhận) cấp một trong các chứng nhận có dạng sản phẩm phù hợp với dạng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu, như sau:
a) Chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP - Good manufacturing practice);
b) Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn ( HACCP - Hazard Analysis and Critical Control Point);
c) Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 22000 (International Organization for Standardization 22000);
d) Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS - International Food Standard);
e) Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội bán lẻ Anh (BRC - British Retailer Consortium);
g) Chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000 - Food Safety System Certification 22000);
2. Nội dung của Chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này tối thiểu phải có các thông tin sau đây:
a) Tên tổ chức cấp/chứng nhận;
b) Ngày cấp/chứng nhận;
c) Thời hạn hiệu lực (trường hợp giấy chứng nhận, xác nhận GMP không ghi thời hạn hiệu lực thì phải có bản báo cáo đánh giá hoặc biên bản kiểm tra định kỳ bảo đảm cơ sở sản xuất duy trì điều kiện an toàn thực phẩm hoặc được quy định thời hạn kiểm tra, đánh giá tại văn bản quy phạm pháp luật của nước xuất xứ sản phẩm);
d) Họ tên, chữ ký của người cấp/chứng nhận;
đ) Tên, địa chỉ cơ sở được cấp/chứng nhận;
e) Phạm vi và dạng sản phẩm được cấp/chứng nhận.”
2. Bãi bỏ số thứ tự 32 phần giải thích từ ngữ; bãi bỏ mục 3.11.2; 3.17 và 3.49 phần III Cơ sở sản xuất và trang thiết bị tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Sửa đổi số thứ tự 3.29 phần III cơ sở sản xuất và trang thiết bị tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế như sau:
3.29. Việc lấy mẫu phải được thực hiện để đảm bảo tránh ô nhiễm, nhiễm chéo và nhầm lẫn.”

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 1 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

1. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 3 Điều 2 như sau:
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế tại Phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật an toàn thực phẩm; các khoản 8, 10 Điều 36 và khoản 5 Điều 41 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP mà ngành Y tế được phân công quản lý, chủ trì kiểm tra.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:
2. Không chồng chéo về đối tượng, địa bàn và thời gian kiểm tra. Trong trường hợp có sự trùng lặp về kiểm tra của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp dưới và kiểm tra của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp trên, giữa các ngành, các cấp thì xử lý theo thứ tự sau:
a) Kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với kiểm tra của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo quyết định của cơ quan cấp trên; 
b) Kiểm tra liên ngành trùng với kiểm tra của một ngành thì thực hiện theo kiểm tra liên ngành; 
c) Kiểm tra của cơ quan trực tiếp quản lý sản phẩm, nhóm sản phẩm theo nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trùng với kiểm tra của cơ quan khác thì cơ quan trực tiếp quản lý sản phẩm, nhóm sản phẩm thực hiện kiểm tra.”
3. Sửa đổi, bổ sung các điểm b, c khoản 1 Điều 4 như sau:
b) Sở Y tế; Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện) chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện; giao Phòng Y tế hoặc Cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn.”
4. Sửa đổi, bổ sung các điểm a, b, h khoản 1 Điều 6 như sau:
a) Hồ sơ về hành chính, pháp lý của cơ sở:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kiểm tra, đánh giá theo loại hình cơ sở thuộc diện cấp hoặc không thuộc diện cấp quy định tại các Điều 11, 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP). Kiểm tra hồ sơ và chấp hành của cơ sở về sức khỏe và tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của các đối tượng theo quy định;
b) Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm, tự công bố sản phẩm, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo. Kiểm tra, đánh giá theo đối tượng, nội dung quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 26, 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;
h) Lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. Mẫu được lấy theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN.”
5. Bãi bỏ điểm đ khoản 1 Điều 6.
6. Sửa đổi, bổ sung các điểm a, c khoản 2 Điều 6 như sau:
a) Hồ sơ về hành chính, pháp lý của cơ sở: Kiểm tra theo nội dung tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Lấy mẫu thức ăn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các nguyên liệu, sản phẩm phục vụ chế biến, ăn uống để kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. Áp dụng tương tự quy định tại điểm h khoản 1 Điều này trong quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 như sau:
3. Tần suất kiểm tra theo kế hoạch không quá 01 lần một năm, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất quy định tại Điều 8 Thông tư này”. 
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 như sau:
1. Trường hợp vi phạm quy định về nhãn sản phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN; Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN; Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để xử lý.”
9. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 10 như sau:
1a. Trong trường hợp khiếu nại hoặc tranh chấp về an toàn thực phẩm liên quan đến kết quả kiểm nghiệm, cơ quan kiểm tra căn cứ quy định tại các Điều 47, 48 Luật an toàn thực phẩm, khoản 6 Điều 37 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết. Trường hợp giải quyết khiếu nại kết luận mẫu đạt, chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả kiểm nghiệm, cơ quan kiểm tra phải ra thông báo hàng hóa tiếp tục được lưu thông trên thị trường. Trường hợp giải quyết khiếu nại kết luận mẫu không đạt thì cơ quan kiểm tra tiến hành xử lý theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 10 Thông tư này.”
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 như sau:
2. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản về vi phạm và trình người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.”
Bộ Y tế